Đề xuất nối lại đường bay Hà Nội – TP.HCM từ 10/10
Đây là đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trong văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội ngày 7/10.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 6/10 về việc nối lại đường bay nội địa, Bộ Giao thông Vận tải hôm nay 7/10 đề xuất kế hoạch khai thác tạm thời các đường bay đi và đến Thành phố Hà Nội theo 2 phương án:
Phương án 1: tổ chức chuyến bay Hà Nội – TP.HCM với tần suất hai chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều).
Phương án 2: chỉ tổ chức vận chuyển hành khách chiều từ Hà Nội đi TP.HCM với tần suất ban đầu là 4 chuyến bay/ngày.
Thời gian nối lại đường bay Hà Nội – TP.HCM dự kiến vào ngày 10/10.
Hành khách đi trên chuyến bay ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K”, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định còn phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát.
Hành khách xuất phát từ vùng được đánh giá là “nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.
"Việc điều chỉnh, mở rộng đối tượng khách khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 8318 sẽ được đánh giá trên tình hình thực tế hoặc có ý kiến đề xuất của thành phố Hà Nội, đảm bảo yếu tố không yêu cầu cách ly tập trung", Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Với các địa phương khác, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có ý kiến cụ thể về khả năng kết nối đường bay đối với từng địa phương.
Cùng ngày, Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không (VABA) cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho các chuyến bay chở khách thương mại, đặc biệt là chuyến bay đến Nội Bài và Tân Sơn Nhất từ 10/10.
Đại diện VABA cho rằng, hàng không có vai trò to lớn đối với kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch đến nay, doanh thu các hãng hàng không liên tục giảm, hiện chỉ còn chưa đến 10% so với trước dịch. Ngoài ra, Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hai sân bay trọng yếu, chiếm gần 90% số lượng khách và doanh thu của các hãng hàng không trong nước. Hầu hết khách đi, đến đều liên quan đến 2 sân bay này. Nếu Nội Bài tiếp tục ngừng tiếp nhận khách bay thương mại thường lệ thì sẽ gây thiệt hại lớn cho hàng không, cho người dân và cho kế hoạch phục hồi kinh tế của nước ta.
Cũng theo VABA, hàng không là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trong các loại hình vận tải công cộng. Môi trường trên máy bay được đánh giá gần đạt độ vô trùng. Các phi công, tiếp viên, nhân viên hàng không đều đã được ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, các hãng hàng không đã phối hợp với bệnh viện chuẩn bị phương án test nhanh COVID-19 đối với tất cả hành khách chiều đi tại các sân bay trước khi lên máy bay (kể cả khách đã có kết quả âm tính 72 giờ trước khi đến sân bay). Toàn bộ khách hàng không đều phải sử dụng PC-COVID và bật chế độ truy vết, cho phép quản lý hoàn toàn bằng công nghệ mà không phải cách ly tập trung tại điểm đến.
"Việc cho phép mở các đường bay, đặc biệt là vé giá rẻ sẽ giúp người dân phía Nam trở về quê an toàn, không phải đi xe máy hàng nghìn km nguy hiểm và vất vả như hiện nay”, đại diện VABA cho biết.
Theo quyết định mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, từ 10/10 sẽ khôi phục 10 đường bay nội địa giữa TP.HCM - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/de-xuat-noi-lai-duong-bay-ha-noi-tp-hcm-tu-10-10-ar640216.html