Đề xuất ổn định giá điện, nước để hỗ trợ doanh nghiệp
Tổng cục Thống kê cho hay, sản xuất công nghiệp tăng trở lại trong quý III năm nay sau nửa đầu năm giảm sút. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thì một trong những giải pháp cần làm là ổn định giá điện nước.
Theo Tổng cục Thống kê, bối cảnh thế giới và trong nước trong 9 tháng đầu năm có nhiều yếu tố không thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, từ tháng 5 đến nay, xu hướng rõ nét là sản xuất công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước.
Cụ thể: sản xuất công nghiệp quý I và quý II đều giảm nhưng quý III đã có sự khởi sắc hơn. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khá so với cùng kỳ.
Một số ngành chủ lực của Việt Nam phục vụ xuất khẩu đã có tín hiệu rất tích cực, cụ thể: Sản xuất giường tủ bàn ghế; sản xuất kim loại; Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; dệt; Sản xuất sản phẩm thuốc lá; Sản xuất sản phẩm hóa chất; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic. Ngành điện tử, ngành may, da giày: đã có tín hiệu tốt hơn trong quý III.
Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn gặp khó khăn là sản xuất xe có động cơ; Sản xuất mô tô xe máy.
Nhận định về triển vọng trong các tháng cuối năm, cơ quan thống kê cho hay, từ tình hình sản xuất công nghiệp các tháng gần đây, và theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: dự báo quý IV-2023 khả quan hơn quý III-2023 cả về tình hình sản xuất kinh doanh, khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn đặt hàng xuất khẩu.
“Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao nhưng vẫn tiếp tục khởi sắc hơn so với 9 tháng đầu năm”- đại diện cơ quan thống kê cho biết.
Để hỗ trợ sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, Tổng cục Thống kê nêu 3 đề xuất. Thứ nhất, các doanh nghiệp mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm.
Thứ hai, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Thứ ba, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.