Đề xuất phải bắt buộc khám sức khỏe trước khi kết hôn, nên khám trước 3-6 tháng
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn Hà Nội là 53,4%, thành phố mong muốn tỷ lệ này phải cao hơn nữa…
Tại lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam 26-12 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 8-12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, công tác dân số của Thủ đô những năm qua đã đạt được thành tựu đáng kể về cả quy mô và cơ cấu.
Đặc biệt, chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao. Hiện nay, số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn Hà Nội là 2,1 con/mẹ. Năm 2023, tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh toàn thành phố ước đạt 83%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88%.
Ngoài ra, nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai và nhân rộng như: mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên; mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình can thiệp truyền thông về chăm sóc SKSS/KHHGĐ (kế hoạch hóa gia đình) tới vùng dân cư đặc thù…
Tháng hành động quốc gia về Dân số và ngày Dân số Việt Nam năm nay có chủ đề: “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”.
Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).
Tại lễ phát động, bà Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh, việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn có vai trò hết sức quan trọng, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Các chuyên gia y tế và dân số cho rằng, khám sức khỏe trước khi kết hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, cả nam, nữ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân tối thiểu từ 3-6 tháng trước khi kết hôn.
Được biết, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ở kỳ họp thứ 6 Quốc hội vừa qua, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (đoàn ĐBQH TPHCM) đã đề nghị có quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi đăng ký kết hôn. Ông cũng nhấn mạnh, khám sức khỏe tiền hôn nhân là trách nhiệm với người vợ hoặc người chồng và trách nhiệm tương lai với thế hệ sau, bởi việc này nhằm sớm phát hiện các bệnh lý như viêm gan B, C, giang mai đặc biệt là bệnh di truyền, bệnh tim.
Quay trở lại với công tác dân số trên địa bàn Hà Nội thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhấn mạnh, thành phố sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân. Mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên...