Đề xuất phạt đến 6 triệu đồng nếu cầm cố, thế chấp tài khoản định danh điện tử
Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 144/2021 thì người nào cầm cố, nhận cầm cố, thế chấp, nhận thế chấp tài khoản định danh điện tử sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung thêm một điều khoản mới. Cụ thể, quy định về xử phạt hành vi vi phạm về cấp định danh và xác thực điện tử; sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử; quản lý dịch vụ xác thực điện tử.
Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối người nào thực hiện hành vi: Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp tài khoản định danh điện tử (tài khoản trên ứng dụng VNeID - PV); không thực hiện đúng quy định về việc xác thực điện tử.
Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu cá nhân nào thực hiện một trong những hành vi sau: Chiếm đoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử của cá nhân; cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh cá nhân.
Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng nếu thực hiện một trong những hành vi: Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp tài khoản định danh điện tử; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp tài khoản định danh điện tử; cung cấp thông tin về danh tính điện tử giả để được định danh tổ chức.
Đáng chú ý nếu thực hiện các hành vi như: Làm giả tài khoản định danh điện tử; sử dụng tài khoản định danh điện tử giả; chiếm đoạt tài khoản định danh điện tử của tổ chức; mua, bán, thuê, cho thuê tài khoản định danh điện tử; cầm cố, nhận cầm cố, thế chấp, nhận thế chấp tài khoản định danh điện tử; mượn, cho mượn tài khoản định danh điện tử để người khác thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 6-10 triệu đồng áp dụng trong trường hợp: Sử dụng tài khoản định danh điện tử vào hoạt động, giao dịch trái quy định của pháp luật; xâm phạm đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; can thiệp trái phép vào việc sử dụng ứng dụng định danh và xác thực điện tử của cá nhân, tổ chức...
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng đề xuất mức phạt cao nhất là từ 30-40 triệu đồng nếu thực hiện hành vi: Lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử xâm phạm thông tin cá nhân của người dân làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; sử dụng Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử giả...