Đề xuất phương pháp đo lường kinh tế số ở Việt Nam

Hiện nay, việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo “Đề xuất phương pháp đo lường kinh tế số ở Việt Nam”, tổ chức ngày 12/9, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng; công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề và mọi mặt của đời sống.

Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu; trong đó, có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”, và là một trong 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê …

Các chỉ tiêu này do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố. Tuy nhiên, hiện nay việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP.

“Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Hiện nay, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho hay.

Để đo lường chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… với mục đích xây dựng phương pháp tính chỉ tiêu kinh tế số phù hợp với lý luận chung của Tài khoản quốc gia và thực tế của Việt Nam…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia cho biết, hiện, chưa có đẩy đủ nguồn thông tin để tính toán số hóa của các ngành kinh tế khác cho các địa phương. Tỷ lệ số hóa của các ngành dựa trên chi phí đầu vào thường không thay đổi nhiều giữa các năm và giữa các địa phương vì hiện nay hệ số chi phí trong bảng IO được biên soạn 5 năm /lần cho cấp quốc gia, không tính cho địa phương.

Kết quả tính thử nghiệm sơ bộ từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%; trong đó, ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82% (chiếm 60,85%), số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm 39,15%), bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt khoảng 11,53%.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt 6,60%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,97%; số hóa trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2019-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.

Giai đoạn 2019-2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,49% năm 2019 lên 6,74% năm 2022.

Ông Đỗ Văn Hành, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đo lường đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế là rất có ý nghĩa và quan trọng trong công tác chuyển đổi số, xã hội số và điều hành kinh tế. Hiện nay, chưa có một định nghĩa, khái niệm cụ thể về kinh tế số, nhưng trên thực tế nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Do đó, cần có phương pháp tính đo lường chung cả địa phương và toàn quốc.

Trưởng khoa Thống kê, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, bà Trần Thị Bích cho biết, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tới kinh tế số. Chuyên gia kinh tế số của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) cũng đã chia sẻ rằng, kinh tế số vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, khi nghiên cứu thì có những con số, khai niệm, đo lường khác nhau nên con số cũng khác nhau.

Trước những hạn chế và giải pháp hoàn thiện đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số, Tổng cục Thống kê đưa ra một số giải pháp, trong đó, để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm, thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế; đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế xã hội.

Cùng với đó, cần tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Tổng cục Thống kê, chia sẻ thông tin liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số.

Mặt khác, các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn theo chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố; đồng thời, thực hiện các điều tra chuyên sâu thu thập thông tin liên quan đến hoạt động số hóa và xây dựng các hệ số kỹ thuật phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế số phản ánh đầy đủ, sát thực đóng góp của kinh tế số trong phát triển kinh tế - xã hội./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-xuat-phuong-phap-do-luong-kinh-te-so-o-viet-nam/306111.html