Đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình mới
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới.
Tình trạng trốn, chậm đóng bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương
Trình bày báo cáo Công tác Quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và Việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13 (Nghị quyết số 68) về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020 trước Quốc hội (chiều 22/10); Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Trong đó một số kết quả nổi bật như: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt mức chỉ tiêu được giao, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao. Y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng. Trong thời gian qua, đã có tổng số 460 trạm y tế xã được xây mới, cải tạo sửa chữa.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, số trạm y tế xã được đầu tư kiên cố tăng từ 6.831 trạm (69,2%) năm 2016 lên 7.295 trạm (77,9%) năm 2020. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm: năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng 83%, năm 2020 là 84,6%.
Hệ thống bác sỹ gia đình được quan tâm phát triển; đến nay cả nước đã có gần 500 phòng khám bác sỹ gia đình (trong đó có 166 phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân); Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Long, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm; các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế.
Cùng với đó là tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm y tế vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia bảo hiểm y tế…
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thay mặt Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội các nội dung như sau: Thứ nhất là nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Thứ hai là bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở.
Thứ ba là tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra.
Đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới
Thẩm tra nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68. “Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.
Thay mặt Ủy ban Xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh đã nêu các kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể là: Xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết KTXH để giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như: đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng phù hợp với khả năng chi trả của người dân và ngân sách nhà nước (NSNN).
Tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cùng với đó là tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành NSNN để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, ưu tiên ngân sách cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (trạm y tế xã (TYT), bệnh viện huyện), công tác y tế dự phòng và chăm sóc sửa khỏe ban đầu.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội kiến nghị cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; sớm trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi); chỉ đạo hoàn thiện văn bản dưới luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm giao chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương; nghiên cứu phương án nâng mức đóng bảo hiểm y tế phù hợp với khả năng chi trả của người dân và NSNN; nâng mức hỗ trợ đóng cho một số đối tượng để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu từng bước chuyển chi hỗ trợ của NSNN cho cơ sở khám chữa bệnh sang chi hỗ trợ cho người dân thông qua bảo hiểm y tế.
Quan tâm phân bổ ngân sách dành cho y tế đầu tư cho y tế cơ sở; đặc biệt là các TYT ở vùng có điều kiện KTXH khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong đó quan tâm đến việc thanh toán chi phí khám và điều trị cho người bệnh mắc COVID-19; có giải pháp đột phá để duy trì và tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm...