Đề xuất quy định giá bán tối đa và giá tối thiểu sách giáo khoa

Việc này, theo đại biểu Quốc hội, vừa không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, vừa chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa lần đầu tiên được đưa vào danh mục Nhà nước định giá, kiểm soát giá.

Theo đó, Nhà nước sẽ quy định giá bán tối đa (giá trần), không ấn định giá để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.

Thảo luận về việc này chiều 11/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, sách giáo khoa là mặt hàng có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến mọi người dân nên Nhà nước cần điều tiết giá hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa thảo luận chiều 11/11

Đại biểu Phạm Văn Hòa thảo luận chiều 11/11

“Nhà nước quy định khung giá tối đa, để các đơn vị phát hành sách tự định giá là hợp lý nhất” - ông Hòa nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo ông, cũng cần tính đến yếu tố thị trường của các nhà xuất bản, cạnh tranh để sách giáo khoa có giá hợp lý nhất.

“Chúng ta không thể chấp nhận năm nào cũng có phản ánh về giá, thiếu sách giáo khoa. Người có tiền cũng chưa chắc đã mua được sách, người có thu nhập thấp dĩ nhiên là không mua được” – ông Hòa lưu ý và cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước để không còn tình trạng năm nào cũng thiếu sách giáo khoa.

Theo đại biểu của Đồng Tháp, cần có quy định để sách giáo khoa sử dụng trong nhiều năm, “chứ dùng một năm rồi lại bỏ, rất lãng phí nguồn lực xã hội".

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lo ngại, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh khi dự luật chỉ đưa ra quy định giá tối đa (giá trần) mà không có giá tối thiểu (giá sàn) với mặt hàng này.

“Dễ thấy rằng sách giáo khoa mà biên soạn bằng ngân sách nhà nước thì có lợi thế hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân” - đại biểu Thúy phản ánh.

Quốc hội làm việc tại Hội trường chiều 11/11

Quốc hội làm việc tại Hội trường chiều 11/11

Vì thế, để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu Thúy đề nghị quy định khung giá bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu.

Bà Thúy nhấn mạnh, quy định này nhất quán với quy định tại khoản 2 Điều 8 dự thảo luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước quy định khung giá tối đa, giá tối thiểu.

Chia sẻ góc nhìn, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho rằng, cần nêu rõ vai trò của Bộ Tài chính trong quản lý giá. Các bộ chỉ phối hợp, sau đó định ra một giá, giá này là giá quy định niêm yết, phải có khung trần và sàn của giá để cho Hội đồng nhân dân các tỉnh áp dụng phù hợp với địa phương mình.

Khẳng định đề xuất áp giá sàn đối với sách giáo khoa là một ý kiến hay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, bây giờ trong tư duy chúng ta luôn luôn nghĩ đến chuyện làm thế nào để quy định mức giá không cao, nhưng chúng ta lại chưa nghĩ đến làm thế nào để ngăn chặn được giá quá thấp.

“Khi các doanh nghiệp có tiềm năng muốn thâu tóm thị trường thì dùng biện pháp hay nói cách khác là dùng thủ đoạn đại hạ giá để đánh bật các đối thủ khác, tạo nên một lợi nhuận độc quyền” - ông Phớc phân tích.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, người đứng đầu Bộ Tài chính nhận định, đây cũng là một vấn đề đặt ra trong Luật Giá.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/de-xuat-quy-dinh-ca-gia-ban-toi-da-va-gia-toi-thieu-sach-giao-khoa_139700.html