Đề xuất quy định mới về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

Dự kiến tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn từ 60 ngày lên 120 ngày

Dự kiến tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn từ 60 ngày lên 120 ngày

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm triển khai thực hiện quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012, ngày 24/10/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.

Năm 2023 và năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị định và tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 143/2013/NĐ-CP. Qua việc tổng kết, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 143/2013/NĐ-CP cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực, Nghị định còn một số hạn chế, vướng mắc như sau:

- Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định chưa bao quát hết được các trường hợp được cử đi học bằng ngân sách nhà nước (VD: các trường hợp học tại các trường thuộc công an, quân đội hoặc được quân đội cử đi học tại các trường ngoài quân đội/các trường hợp đi học chương trình đào tạo trong nước bằng ngân sách nhà nước mà không thuộc Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…).

- Thời gian để người học thực hiện bồi hoàn quá ngắn, gây khó khăn cho người học trong việc thực hiện trách nhiệm bồi hoàn, làm hạn chế tính khả thi của việc triển khai thực hiện Nghị định. Ngoài ra, việc quy định phải hoàn trả kinh phí trong 01 lần cũng gây khó khăn cho người học.

- Nghị định chưa có quy định về các trường hợp được miễn, giảm chi phí bồi hoàn. Vì vậy chưa bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật về bồi hoàn khác, đồng thời, phần nào gây khó khăn cho những trường hợp người học gặp khó khăn về kinh tế, sức khỏe…

Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và phù hợp với tình hình thực tế là cần thiết, nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi chi phí đào tạo đối với những trường hợp không chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước.

Tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn

Về đối tượng áp dụng: Dự thảo Nghị định bổ sung đối tượng là người học tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước nói chung. Theo đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP như sau: "b) Người học được tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc theo các Đề án đặt hàng đào tạo do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

Lý do của việc bổ sung này là bao quát hết được các đối tượng người quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Giáo dục đại học: "Người học chương trình giáo dục đại học nếu được hưởng học bổng và chi phí đào tạo do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam…". Đồng thời tiếp thu ý kiến của Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung đối tượng người học tham gia chương trình đào tạo trong nước từ nguồn NSNN.

Về thời hạn trả và thu hồi chi phí bồi hoàn: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn (tăng từ 60 ngày lên 120 ngày). Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP như sau:

"Chậm nhất trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn."

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất này nhằm bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật khác có quy định về bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo (Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật). Bên cạnh đó, thời hạn 60 ngày tương đối ngắn, vì vậy, để tạo thuận lợi cho người học/gia đình người học có thời gian thu xếp kinh phí để chi trả chi phí bồi hoàn theo quy định đề nghị tăng thời hạn trả và thu hồi lên 120 ngày.

Bổ sung quy định về miễn, giảm chi phí bồi hoàn

Dự thảo bổ sung khoản 5 vào Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP: "5. Miễn, giảm chi phí bồi hoàn:

a) Người học được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần được miễn chi phí bồi hoàn; người học thuộc hộ nghèo theo quy định được giảm tối đa 20% chi phí bồi hoàn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP;

b) Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo quyết định việc miễn, giảm chi phí bồi hoàn cho người học."

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, đối tượng phải thực hiện bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định tại Nghị định số 143/2013/NĐ-CP tương đối đặc thù, đó là người học theo học các chương trình đào tạo được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước, mà không chấp hành sự điều động làm việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp. Để bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật về bồi hoàn khác (qua rà soát, về cơ bản các văn bản pháp luật có quy định liên quan đến bồi hoàn chi phí đào tạo khác đều có quy định các trường hợp được miễn, giảm bồi hoàn), trên nguyên tắc hỗ trợ các trường hợp người học gặp khó khăn về sức khỏe/kinh tế, đồng thời, vẫn bảo đảm người học phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và phòng ngừa các trường hợp lạm dụng chính sách, dự thảo Nghị định đề xuất chỉ quy định miễn, giảm chi phí bồi hoàn đối với các trường hợp sau:

(i) Đối với trường hợp người học mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần: đề nghị miễn chi phí bồi hoàn do người học không có khả năng/điều kiện để thực hiện việc bồi hoàn.

(ii) Đối với trường hợp người học thuộc hộ nghèo: thực tế trong trường hợp này người học có đủ điều kiện để thực hiện sự điều động làm việc của Nhà nước nhưng lại không thực hiện nên về nguyên tắc người học phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, để thống nhất với chính sách chung của Nhà nước về hỗ trợ đối với hộ nghèo, dự thảo Nghị định đề xuất giảm 1 phần chi phí bồi hoàn để hỗ trợ cho người học (chỉ giảm 20% chi phí bồi hoàn).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-boi-hoan-hoc-bong-va-chi-phi-dao-tao-102250402103251239.htm