Bộ trưởng Trần Hồng Minh: Rõ tinh thần 'vượt nắng thắng mưa', khoan hầm, nối cầu cao tốc

Ở cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Bộ trưởng đã có chuyến thị sát công trường giữa rừng sâu, địa hình hiểm trở. Trên công trường luôn nhộn nhịp tiếng thiết bị cơ giới, tiếng máy đào, máy khoan và xe cộ chở vật tư thi công ra vào tấp nập.

Tăng tốc đào hầm, làm cầu nối thông toàn tuyến

Ngày 3/4, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chủ trì đoàn công tác Bộ Xây dựng tiếp tục thị sát dự án thành phần 2 (DATP 2), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đây là dự án thứ 2 trên tuyến cao tốc Khánh Hòa nối Đắk Lắk và là dự án thứ 6 trong chuyến kiểm tra hiện trường giải phóng mặt bằng, thi công cao tốc dọc miền Trung, Tây Nguyên trong hai ngày 2 - 3/4 của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường biện pháp thi công khoan hầm, đẩy tiến độ cầu trên tuyến DATP 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường biện pháp thi công khoan hầm, đẩy tiến độ cầu trên tuyến DATP 2 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tại điểm đầu dự án Km 32+000, phía Đông hầm Phượng Hoàng thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng ghi nhận nỗ lực thi công của chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thi công dự án. Trong đó, quyết tâm vượt khó khăn về địa hình, địa chất, mặt bằng để từng bước gia tăng sản lượng trên công trường cho thấy tinh thần "vượt nắng thắng mưa". Đáng kể nhà thầu Đèo Cả triển khai tốt công tác mở đường công vụ, tạo mặt bằng để khoan hầm và đường dẫn.

Hầm Phượng Hoàng dài 1.700m, nối thông hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Trong đó, hầm trái dài 1.678m và hầm phải dài hơn 1.685m. Sau khoảng 10 tháng mở cửa hầm, đến nay hầm trái đã khoan gần 715m, hầm phải hơn 751m.

Nhà thầu Đèo Cả đang tiếp tục huy động nguồn lực để đẩy nhanh thi công nổ mìn phá đá, khoan hầm và đào hạ nền. Dự kiến đến cuối tháng 11/2025 sẽ đào thông hầm, sau hơn một năm triển khai với tinh thần "3 ca, 4 kíp", tổ chức 6 mũi thi công.

Cửa phía Đông hầm Phượng Hoàng nằm giữa rừng sâu, từ QL26 di chuyển gần 10km đường rừng mới tiếp cận được cửa hầm.

Cửa phía Đông hầm Phượng Hoàng nằm giữa rừng sâu, từ QL26 di chuyển gần 10km đường rừng mới tiếp cận được cửa hầm.

Tại công trình cầu Km 44+875, qua địa bàn xã Cư San, huyện M'drắk, tỉnh Đắk Lắk, nhà thầu tập trung đổ trụ cầu, đổ dầm, sẵn sàng lao lắp khi đủ điều kiện. Cây cầu có chiều dài 700m, cao 50m này là một trong những cầu cạn dài nhất trong số 38 cầu trên tuyến.

Theo đại diện nhà thầu Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Yên, cầu thi công đạt khoảng 50% sản lượng, đơn vị đang tập trung cao độ đổ các trụ cầu còn lại, lên xà mũ, lao lắp dầm và đổ bê tông bản mặt cầu.

Thị sát hiện trường và lắng nghe báo cáo của các đơn vị triển khai dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Minh lưu ý, khu vực thi công khá phức tạp với núi cao, vực sâu. Do đó, quá trình tổ chức thi công phải tính toán một cách hợp lý, bố trí nhân vật lực từng mũi thi công phù hợp. Đặc biệt, phải đặt công tác đảm bảo an toàn lao động lên trên hết.

Bộ trưởng lưu ý, công tác thi công phải đề cao tính an toàn lao động, hạn chế tối đa những bất cập.

Bộ trưởng lưu ý, công tác thi công phải đề cao tính an toàn lao động, hạn chế tối đa những bất cập.

Riêng công tác khoan hầm phải tập trung cao độ, thông được hầm cũng đồng nghĩa có thêm một đường công vụ mới gần hơn, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa hai đầu tuyến của dự án. Từ đó, việc trung chuyển thiết bị, vật tư phục vụ thi công dự án thuận lợi hơn.

"Đặc thù thi công cầu, hầm phải đảm bảo mọi yếu tố kỹ thuật, an toàn lao động tuyệt đối. Khắc phục mọi khó khăn địa hình, địa chất; tăng thiết bị, nhân lực, vật lực tập trung thi công... Trong khó khăn, chúng ta vượt qua được, đưa dự án về đích mới ý nghĩa với người làm giao thông", Bộ trưởng chia sẻ.

Sớm gỡ vướng mắc về đất rừng để mở rộng công địa thi công

Trước đó, báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Hữu Hải - Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết: Công tác bồi thường, GPMB của dự án cơ bản hoàn thành, thuận lợi cho nhà thầu tổ chức thi công dọc tuyến, góp phần đảm bảo tiến độ chung.

Tuy nhiên, công địa chật hẹp, vướng mắc về mặt bằng tại một số gói thầu dẫn đến thi công chậm. Nguyên nhân do vướng hạ tầng kỹ thuật; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng và công tác chặt hạ, tận thu rừng tự nhiên kéo dài dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng, mặt bằng bàn giao không liên tục, địa hình khó khăn, phân cắt mạnh".

Phần lớn tuyến chính đi qua khu vực rừng núi, trong đó có gần 9ha đất rừng buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Phần lớn tuyến chính đi qua khu vực rừng núi, trong đó có gần 9ha đất rừng buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Đặc biệt, nhiều vị trí tuyến chính đi qua khu vực rừng tự nhiên nên việc mở đường tiếp cận để thi công các công trình hầm và các cầu có chiều cao trụ lớn rất khó khăn.

Trong đó, vướng mắc lớn nhất là phần diện tích phát sinh tăng thêm do thay đổi mái ta luy trong bước thiết kế kỹ thuật với diện tích khoảng gần 22ha (Đắk Lắk: 19,8ha và Khánh Hòa 1,9ha ). Phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng gần 9ha.

Ban QLDA6 đang tập trung phối hợp các cơ quan quản lý tài nguyên, đất đai, lâm nghiệp và chính quyền các địa phương triển khai, hoàn thiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi tài sản rừng để bàn giao phạm vi mặt bằng còn lại cho nhà thầu tổ chức thực hiện, đảm bảo tiến độ dự án.

Theo ông Hải, đến nay, dự án đạt tiến độ hơn 30%, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. "Chủ đầu tư, nhà thầu phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2026 theo các yêu cầu của Chính phủ và Bộ Xây dựng. Song, nếu công tác mặt bằng thực hiện tốt, thời tiết thuận lợi chúng tôi sẽ tăng tốc hoàn thành sớm hơn", ông Hải cho hay.

Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị triển khai DATP 2 quản chặt tiến độ, chất lượng dự án

Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị triển khai DATP 2 quản chặt tiến độ, chất lượng dự án

Giám đốc Ban QLDA 6 kiến nghị tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa quan tâm chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan, sớm hoàn thành các thủ tục về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế, phương án khai thác, tận thu tài sản rừng… và các công việc liên quan đối với phần diện tích phát sinh tăng thêm, đảm bảo điều kiện để nhà thầu thi công đồng bộ , đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài gần 118km với tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia thành 3 DATP.

Trong đó, DATP 2, có chiều dài tuyến hơn 36km với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư.

Dự án kết nối với DATP 1 đoạn đầu tuyến do Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và giao thông tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư và DATP 3 đoạn cuối tuyến do do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.

Lê Đức

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-tran-hong-minh-ro-tinh-than-vuot-nang-thang-mua-khoan-ham-noi-cau-cao-toc-192250403124430992.htm