Đề xuất quy định mới về đăng ký doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Bộ Tài chính cho biết, dự thảo đề xuất một số điểm mới cơ bản như sau:

Bỏ các quy định về đăng ký hộ kinh doanh, ban hành kèm theo hệ thống biểu mẫu áp dụng trong đăng ký doanh nghiệp

Dự thảo Nghị định bỏ các quy định về đăng ký hộ kinh doanh tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP và nghị định hóa toàn bộ hệ thống biểu mẫu trong đăng ký doanh nghiệp hiện đang quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT nhằm phù hợp với quy định về thẩm quyền ban hành thủ tục hành chính tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sắp xếp, hoàn thiện lại khung khổ pháp lý về đăng ký doanh nghiệp.

Bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Nhằm thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân tại Nghị quyết số 136/NQ-CP, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về việc sử dụng số định danh cá nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, trường hợp người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp kê khai số định danh cá nhân thì có thể cắt giảm được phần lớn thông tin cá nhân phải kê khai trên cơ sở khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tiết kiệm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, hạn chế tối đa hành vi giả mạo hồ sơ để đăng ký thành lập doanh nghiệp trái pháp luật do các thông tin cá nhân lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là các thông tin đã được Bộ Công an xác minh.

Bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

Nhằm xác định trạng thái hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh theo hồ sơ đăng ký và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, giúp công khai, minh bạch thông tin về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, bảo đảm việc cung cấp thông tin liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là chính xác và có giá trị pháp lý; đồng thời tạo sự thống nhất về số liệu thống kê giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, dự thảo Nghị định bổ sung quy định về tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, bao gồm 06 tình trạng: (i) Tạm ngừng kinh doanh; (ii) Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; (iii) Bị thu hồi do cưỡng chế về quản lý thuế; (iv) Đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động; (v) Đã chấm dứt hoạt động; (vi) Đang hoạt động; đồng thời quy định các trường hợp cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh khi doanh nghiệp cập nhật tình trạng pháp lý.

Bỏ quy định về việc đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng

Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo quy định của Luật này thì Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép theo quy định; Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Văn bản chấp thuận việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài đã thành lập và hoạt động theo Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải đề nghị cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật này. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Giấy phép phải thực hiện theo quy định của Luật này; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc thông báo thông tin về cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy phép; thông tin về việc bổ nhiệm Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Trưởng văn phòng đại diện nước ngoài và các thông tin có liên quan cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 không quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật sau khi được cấp Giấy phép như đã quy định tại Điều 24 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Do đó, việc quy định đăng ký kinh doanh đối với tổ chức tín dụng tại Nghị định này là không có cơ sở.

Căn cứ các quy định nêu trên, dự thảo Nghị định không quy định việc đăng ký kinh doanh của tổ chức tín dụng, phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Lan Phương

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-ve-dang-ky-doanh-nghiep-102240701153342949.htm