Đề xuất sau điều trị bệnh, tai nạn, tài xế chuyên nghiệp phải khám sức khỏe lại

Bộ Y tế đề xuất người lái xe chuyên nghiệp (gồm vận tải hàng hóa và vận tải hành khách) phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh hoặc tai nạn, trong khi nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không hợp lý.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô. Theo đó Bộ Y tế đề xuất, người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn.

Điều chỉnh để phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thông tư này được áp dụng đối với người lái xe chuyên nghiệp, người điều khiển xe máy chuyên dùng, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Bộ Y tế, căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

Trên cơ sở kế thừa Thông tư 24, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo thông tư mới về “Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô”.

 Bộ Y tế đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn. Ảnh minh họa: PV

Bộ Y tế đề xuất người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn. Ảnh minh họa: PV

Đáng chú ý tại Điều 8 của Dự thảo, Bộ Y tế nêu rõ trách nhiệm của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng gồm: Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe. Đồng thời, người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn.

Người người làm nghề lái xe ô tô phải chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về GTVT (Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.

Đơn vị vận tải đã kiểm tra sức khỏe 6 tháng/lần

Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng đề xuất này không phù hợp. Vì hiện nay theo quy định người hành nghề lái xe phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Cụ thể, tại Phụ lục số 02, mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe (ban hành kèm Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT) có quy định: Giấy khám sức khỏe này có giá trị sử dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày ký kết luận.

"Nếu yêu cầu sau khi bệnh, tai nạn phải đi khám sức khỏe lại thì khi đến kỳ khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần lại không cần thiết”- ông Tính cho hay.

Ông Tính cho biết trường hợp quy định tài xế một năm khám sức khỏe định kỳ một lần thì đề xuất của Bộ Y tế có thể phù hợp.

“Thực tế hiện nay người lái xe có đủ sức khỏe mới có thể đi làm vì điều khiển xe trên đường luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho tài xế và người tham gia giao thông khác. Do đó, tự tài xế ý thức rất rõ việc này, họ sẽ không đưa sức khỏe của mình ra để đùa giỡn.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô hành khách TP.HCM

 Theo các chuyên gia, người lái xe có đủ sức khỏe mới có thể làm nghề này. Ảnh: TN

Theo các chuyên gia, người lái xe có đủ sức khỏe mới có thể làm nghề này. Ảnh: TN

Góp ý thêm, bà Nguyễn Thị Ngọc Trang - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sen Việt cho rằng đề xuất của Bộ Y tế cần nêu rõ loại bệnh gì cần phải khám sức khỏe sau khi điều trị. Lý do là không phải loại bệnh nào cần điều trị cũng có khả năng gây hại cho người lái xe hay những người liên quan.

“Ví dụ như bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến hành khách nhưng nếu là bệnh khác thì tại sao yêu cầu họ phải đi kiểm tra thay vì được lao động ngay?”- bà Trang đặt câu hỏi.

Liên quan đến dự thảo này, một vị giảng viên tại Trường Đại học GTVT TP.HCM cho biết cần đưa quy định khám sức khỏe 6 tháng/lần vào thông tư thay vì chỉ quy định trong phụ lục quy định về mẫu khám sức khỏe đối với người lái xe như hiện nay.

Bà Trang dẫn chứng thêm một số loại bệnh được phép vừa uống thuốc vừa lao động, nếu bắt buộc người bệnh nghỉ thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của tài xế.

Theo bà Trang, quy định hiện hành đã yêu cầu tài xế 6 tháng đi khám sức khỏe một lần. Hiện các đơn vị vận tải vẫn đang thực hiện đầy đủ và tải thông tin về sức khỏe của tài xế lên cổng thông tin của Sở GTVT quản lý.

“Khi tham gia giao thông, tài xế cũng có thể bị Thanh tra Giao thông hoặc CSGT kiểm tra đủ điều kiện về sức khỏe hay không nên họ không thể làm sai quy định”- bà Trang chia sẻ thêm.

Chỉ khám sức khỏe định kỳ với người lái xe chuyên nghiệp

Dự thảo quy định nguyên tắc chung đối với việc khám sức khỏe như sau:

Việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được thực hiện tại cơ sở y tế đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 96/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Việc khám sức khỏe cho người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải thực hiện theo tiêu chuẩn sức khỏe quy định “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng”.

Việc khám sức khỏe định kỳ chỉ áp dụng đối với người lái xe ô tô chuyên nghiệp (người làm nghề lái xe ô tô) theo quy định của pháp luật về lao động.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-sau-dieu-tri-benh-tai-nan-tai-xe-chuyen-nghiep-phai-kham-suc-khoe-lai-post807335.html