Đề xuất sửa đổi quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia

Trải qua 3 năm thực hiện, Hội đồng Y khoa Quốc gia đã bộc lộ một số điểm cần điều chỉnh như quy định cụ thể vị trí pháp lý, chức năng; Quy định các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia cho phù hợp với quy định tại Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh...

Hội đồng Y khoa Quốc gia là một mô hình mới ở Việt Nam

Bộ Y tế đang xây dựng Tờ trình Về việc dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 06 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 956/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Theo quy định tại Quyết định số 956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì: Hội đồng Y khoa Quốc gia: "có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế". Hội đồng có con dấu, có tài khoản riêng và trụ sở đặt tại Thành phố Hà Nội. Hội đồng hoạt động theo Quy chế Tổ chức và hoạt động do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia - Ảnh minh họa

Bộ Y tế đề xuất sửa đổi quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia - Ảnh minh họa

Ngày 30 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 495/ QĐ-TTg ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Tại thời điểm Quyết định số 956/QĐ-TTg được ban hành, Hội đồng Y khoa Quốc gia là một mô hình mới ở Việt Nam, chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, do vậy, chưa có đủ hành lang pháp lý để Hội đồng triển khai tổ chức hoạt động.

Mặt khác, trải qua 03 năm thực hiện Quyết định số 956/QĐ-TTg và Quyết định số 495/QĐ-TTg đã bộc lộ một số điểm cần điều chỉnh: Quy định cụ thể vị trí pháp lý, chức năng của Hội đồng Y khoa Quốc gia; Quy định các nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia cho phù hợp với quy định tại Điều 25 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên Hội đồng. Tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ có quy định về tiêu chuẩn Ủy viên Hội đồng. Tuy nhiên các quy định về tiêu chuẩn này chưa cụ thể, chưa có quy định về trình tự, thủ tục, quy trình bổ nhiệm các ủy viên Hội đồng.

Hội đồng Y khoa Quốc gia và Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia không được giao số lượng người làm việc. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên Hội đồng đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhân lực của Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia - cơ quan giúp việc của Hội đồng - cũng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc biệt phái. Do vậy, Hội đồng Y khoa Quốc gia và Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia không có đủ nhân lực để đảm nhiệm các công việc thường xuyên và các nhiệm vụ của Hội đồng.

Về kinh phí hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia: Theo quy định tại Điều 8, Quyết định số 495/QĐ-TTg của Chính phủ "Kinh phí hoạt động của Hội đồng do Hội đồng tự bảo đảm theo quy định của pháp luật". Trong khi Hội đồng Y khoa Quốc gia là một tổ chức mới được thành lập, chưa có bộ máy hoàn chỉnh, chưa có nguồn thu, nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn: chủ trì xây dựng, ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là các nhiệm vụ phục vụ, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước nên cần có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện các hoạt động theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Những thay đổi chủ yếu của dự thảo

Về vị trí pháp lý, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hội đồng Y khoa Quốc gia có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng đặt tại Thành phố Hà Nội. Kinh phí hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ các hoạt động của Hội đồng.

Đề xuất sửa đổi quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia (ảnh minh họa).

Đề xuất sửa đổi quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia (ảnh minh họa).

Hội đồng Y khoa Quốc gia có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ; Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm Chủ tịch, không quá 03 Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng, trong đó: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo Bộ Y tế kiêm nhiệm; có 01 Phó Chủ tịch thường trực hoạt động chuyên trách. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng.

Ủy viên Hội đồng có từ 27 đến 29 Ủy viên do Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm, bao gồm: đại diện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đại diện cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; đại diện hội nghề nghiệp và chuyên gia ngành y tế; đại diện cơ quan quản lý nhà nước. Nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia là 05 năm và có thể bổ nhiệm lại, nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.

Tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia được quy định trong Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Hội đồng Y khoa Quốc gia có các Ban chuyên môn có chức năng giúp việc cho Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia quyết định thành lập và ban hành chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm thành viên của Ban chuyên môn.

Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia là cơ quan giúp việc của Hội đồng Y khoa Quốc gia, đặt tại Hà Nội, Văn phòng Hội đồng có các phòng chuyên môn và các phòng chức năng về kế hoạch, tài chính, hành chính, tổ chức. Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.

Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia do Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia thành lập và làm việc theo quy chế tổ chức và hoạt động do Chủ tịch Hội đồng ban hành. Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Số lượng người làm việc của Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia do Bộ Nội vụ giao; ngoài ra, theo nhu cầu, nhiệm vụ công tác, Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia có nhân lực làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, biệt phái từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế,..và hợp đồng lao động theo quy định.

Kinh phí hoạt động của Văn phòng Hội đồng Y khoa Quốc gia nằm trong kinh phí bảo đảm hoạt động của Hội đồng do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp tại Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-xuat-sua-doi-quy-dinh-ve-hoi-dong-y-khoa-quoc-gia-169231204155913882.htm