Đề xuất sửa Luật Điều ước quốc tế để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh cải cách hành chính

Bộ Ngoại giao đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điều ước quốc tế.

Bộ Ngoại giao đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điều ước quốc tế.

Bộ Ngoại giao đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điều ước quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao, Luật số 108/2016/QH13 của Quốc hội về điều ước quốc tế (ĐƯQT) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, sau gần 10 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, nhiều quy định về thủ tục ký kết, phê duyệt, sửa đổi điều ước chưa rõ ràng, gây khó khăn khi áp dụng, đặc biệt là thủ tục rút gọn trong các điều ước về ODA, vay ưu đãi. Các quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công. Việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm cải cách hành chính, đẩy mạnh phâp cấp, phân quyền, thực hiện chuyển đổi số và đảm bảo sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung 03 nội dung chính

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐƯQT quy định về ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn và tổ chức thực hiện ĐƯQT. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn và tổ chức thực hiện ĐƯQT.

Tại dự thảo Luật, Bộ Ngoại giao đề xuất sửa đổi, bổ sung 03 nội dung chính sau đây:

1. Nội dung sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật ĐƯQT nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc hiện nay:

- Sửa đổi khoản 3 Điều 70 để quy định trình tự, thủ tục đàm phán, ký, phê chuẩn, sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT (bao gồm cả ĐƯQT nhân danh Nhà nước và ĐƯQT nhân danh Chính phủ) về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công, pháp luật về đầu tư công.

- Sửa đổi Điều 11 nhằm quy định việc trình kết thúc đàm phán chỉ trong trường hợp cần thiết và cơ quan đề xuất ký kết chủ động quyết định về trình kết thúc đàm phán; quy định trường hợp đã có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép đàm phán ĐƯQT thì hồ sơ trình về việc đàm phán ĐƯQT chỉ cần nêu về ủy quyền đàm phán mà không cần nhắc lại các nội dung khác.

- Sửa đổi Điều 54 liên quan đến sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT.

- Bổ sung khoản 3 Điều 58 quy định hồ sơ đề xuất ký kết ĐƯQT, ĐƯQT được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho quy định của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành về lưu trữ hồ sơ ký kết ĐƯQT và ĐƯQT.

Bộ Ngoại giao cho biết, các sửa đổi, bổ sung nêu trên nhằm hoàn thiện các quy định của Luật ĐƯQT, thể chế hóa chủ trương về tăng cường giải ngân đầu tư công, tăng cường hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, đảm bảo tính đồng bộ giữa các luật.

2. Nội dung cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục:

- Rút ngắn thời gian cơ quan, tổ chức liên quan cho ý kiến, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cho ý kiến kiểm tra, thẩm định hồ sơ ký ĐƯQT (sửa đổi, bổ sung các Điều 9, 13, 18, 20, 30, 39... Luật ĐƯQT).

- Cắt giảm yêu cầu xin ý kiến các cơ quan liên quan trong thủ tục trình phê duyệt, phê chuẩn ĐƯQT trong trường hợp nội dung ĐƯQT không thay đổi so với khi trình ký; cho phép cơ quan đề xuất ký kết có thể chủ động quyết định về việc xin ý kiến (sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật ĐƯQT).

- Đơn giản hóa, đồng bộ hồ sơ gửi xin ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, giảm tải yêu cầu cơ quan đề xuất phải xây dựng 2 bộ hồ sơ khác nhau để gửi xin ý kiến kiểm tra và ý kiến thẩm định (bãi bỏ Điều 19 và sửa đổi, bổ sung Điều 21).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục rút gọn, tạo thuận lợi cho việc áp dụng và đẩy nhanh quy trình: quy định rõ cấp có thẩm quyền quyết định mẫu ĐƯQT cấp Nhà nước và cấp Chính phủ tương ứng là Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ (khoản 1 Điều 72); sửa đổi Điều 71 về đồng thời đàm phán và ký ĐƯQT để có thể đồng thời đàm phán và ký ĐƯQT trước khi đàm phán hoặc trước khi ký; bổ sung Điều 71a quy định về đồng thời trình ký và phê duyệt ĐƯQT trong trường hợp ĐƯQT có thể áp dụng ngay, không đòi hỏi sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.

- Sửa đổi quy định về đăng tải ĐƯQT trên Công báo điện tử, thay cho Công báo giấy; bổ sung quy định về giá trị của văn bản ĐƯQT đăng tải trên Công báo điện tử có giá trị như bản sao ĐƯQT được Bộ Ngoại giao cấp, qua đó đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính về xin cấp bản sao ĐƯQT, tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, trong việc sử dụng bản sao ĐƯQT trong thực hiện thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thủ tục về thuế xuất nhập khẩu, lao động ở nước ngoài (Điều 60).

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục có thể tiết kiệm chi phí cho cơ quan, tổ chức; tăng năng suất và hiệu quả công việc; gắn với trách nhiệm của cơ quan đề xuất; thực hiện chuyển đổi số trong công tác ký kết và thực hiện ĐƯQT; thể chế hóa chủ trương, nhiệm vụ, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ rào cản tiếp cận thị trường, các cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, cắt giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ pháp luật của tư nhân.

3. Nội dung thực hiện phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đối ngoại:

- Phân quyền từ Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ trong trình Chủ tịch nước về việc đàm phán ĐƯQT nhân danh Nhà nước (khoản 1 Điều 8), trình Chủ tịch nước quyết định ký, gia nhập ĐƯQT nhân danh Nhà nước (Điều 13, 41), trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn ĐƯQT (khoản 1 và khoản 2 Điều 30), quyết định thay đổi người được ủy quyền ký ĐƯQT nhân danh Chính phủ (khoản 4 Điều 63); trình Chủ tịch nước quyết định ký, gia nhập ĐƯQT cấp Nhà nước.

- Phân quyền cho Thủ tướng Chính phủ trong quyết định cho phép ký ĐƯQT theo mẫu (khoản 1 Điều 72).

- Bổ sung Điều 72a, quy định việc Chủ tịch nước, Chính phủ ủy quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đàm phán, ký các ĐƯQT nhân danh Nhà nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước trong trường hợp cần thiết để kịp thời xử lý các yêu cầu thực tế.

- Phân quyền từ Chủ tịch nước, Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ trong quyết định sửa đổi, bổ sung ĐƯQT theo trình tự, thủ tục rút gọn (khoản 1 Điều 73), quyết định gia hạn ĐƯQT theo trình tự, thủ tục rút gọn (Điều 74).

Theo Bộ Ngoại giao, các nội dung nêu trên đã thể hiện rõ tinh thần phân quyền, phân cấp trong công tác ký kết ĐƯQT, giao quyền chủ động, tự chủ nhiều hơn cho cơ quan đề xuất nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, kịp thời trong hoạt động ký kết và thực hiện ĐƯQT.

Áp dụng một quy trình chung với tất cả các trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT

Về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT (tại Điều 54 Luật số 108/2016/QH13), dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định một quy trình chung đối với tất cả các trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT. Cụ thể:

1. ĐƯQT được sửa đổi, bổ sung, gia hạn theo quy định của ĐƯQT đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.

2. Văn bản quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT bao gồm các nội dung sau đây:

- Tên của ĐƯQT được sửa đổi, bổ sung, gia hạn; thời gian, địa điểm ký và thời điểm có hiệu lực;

- Nội dung sửa đổi, bổ sung, thời gian gia hạn ĐƯQT;

- Trách nhiệm của cơ quan đề xuất, Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Trình tự, thủ tục quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT được thực hiện như sau:

- Cơ quan đề xuất có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT;

- Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT quy định tại Điều 39 của Luật này; trình Chủ tịch nước quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này;

- Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này;

- Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT quy định tại điểm a khoản 3 Điều này theo trình tự, thủ tục tương tự trình tự, thủ tục phê chuẩn ĐƯQT quy định tại các điều 32, 33, 34, 35 và 36 của Luật này.

4. Hồ sơ trình về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT bao gồm:

- Tờ trình của cơ quan trình, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, cơ sở pháp lý và hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT;

- Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức; kiến nghị biện pháp xử lý;

- Văn bản ĐƯQT;

- Đề nghị về việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn ĐƯQT của bên ký kết nước ngoài hoặc cơ quan nhà nước có liên quan của Việt Nam.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuyết Thư

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/de-xuat-sua-luat-dieu-uoc-quoc-te-de-thao-go-vuong-mac-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-102250718144835345.htm