Đề xuất sửa quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc xây dựng Dự thảo Thông tư này nhằm tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 và các quy định pháp luật liên quan.

Việc xây dựng Dự thảo Thông tư này nhằm tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 và các quy định pháp luật liên quan.

Theo cơ quan soạn thảo, việc xây dựng Dự thảo Thông tư này nhằm tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, kế thừa một số quy định còn phù hợp của Thông tư 39, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Thông tư này quy định về kiểm toán độc lập báo cáo tài chính, thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kiểm toán độc lập theo quy định của pháp luật có liên quan và phải tuân thủ các Điều 11, 12, 13 Thông tư này đối với 4 trường hợp sau đây:

- Thuê tổ chức kiểm toán độc lập đánh giá một phần hoặc toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ khi xét thấy cần thiết theo quy định tại khoản 3 Điều 57 Luật Các tổ chức tín dụng;

- Thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính, đánh giá thực trạng tài chính để làm cơ sở xây dựng phương án khắc phục theo quy định tại khoản 4 Điều 156 Luật Các tổ chức tín dụng;

- Thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Luật Các tổ chức tín dụng;

- Thuê tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán độc lập phục vụ yêu cầu thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

Phạm vi kiểm toán

Dự thảo quy định, định kỳ hằng năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Thông tư này để thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính; dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Việc kiểm toán báo cáo tài chính bán niên, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành và các công việc kiểm toán khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập để kiểm toán đối với các hạn chế nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thời gian, thẩm quyền lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập

Theo dự thảo quy định, trước khi kết thúc năm tài chính, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Thông tư này để kiểm toán báo cáo tài chính, thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính năm tài chính tiếp theo.

Hội đồng thành viên quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn.

Đại hội đồng cổ đông quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

Tổng giám đốc (Giám đốc) quyết định lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nội dung kiểm toán độc lập

Kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm kiểm toán:

Báo cáo tình hình tài chính;

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;

Thuyết minh báo cáo tài chính.

Thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ý kiến kiểm toán độc lập

Căn cứ vào kết quả kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập phải đưa ra ý kiến theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Kiểm toán độc lập.

Kết quả kiểm toán độc lập

Kết quả kiểm toán độc lập đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm: Báo cáo kiểm toán; Thư quản lý và các tài liệu, bằng chứng liên quan.

Báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính, báo cáo thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Thư quản lý phải phản ánh những vấn đề, sự kiện cụ thể trong quá trình kiểm toán, bao gồm: hiện trạng thực tế, khả năng rủi ro, kiến nghị của kiểm toán viên và ý kiến của người quản lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến sự kiện đó. Thư quản lý tối thiểu phải có các nội dung sau:

- Phương pháp tiếp cận chung, phạm vi của cuộc kiểm toán và các yêu cầu cần bổ sung;

- Đánh giá những thay đổi về chính sách và thông lệ quan trọng ảnh hưởng đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Rủi ro có thể ảnh hưởng trọng yếu đến các báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Đề xuất điều chỉnh của tổ chức kiểm toán độc lập và kiểm toán viên hành nghề đối với vụ việc, sự kiện đã ảnh hưởng hoặc có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Ý kiến không thống nhất với người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các vấn đề có thể ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính, hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc đến ý kiến của kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập. Kiểm toán viên hành nghề và tổ chức kiểm toán độc lập phải nêu rõ tình trạng giải quyết những ý kiến không thống nhất đó và mức độ ảnh hưởng của vấn đề;

- Các vấn đề khác được thỏa thuận trong hợp đồng kiểm toán.

Dự thảo Thông tư bao gồm 3 chương, 22 Điều. Cụ thể, Chương I quy định chung bao gồm Điều 1 đến điều 5 quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, phạm vi kiểm toán và khuyến khích kiểm toán.

Chương II từ Điều 6 đến Điều 19 quy định về thời gian lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, thẩm quyền lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, nội dung kiểm toán độc lập và dịch vụ bảo đảm, ý kiến kiểm toán độc lập, kết quả kiểm toán độc lập, điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán NHTM, TCTD phi ngân hàng, chi nhánh NHNNg, điều kiện đối với tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán tổ chức tài chính vi mô, tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên hành nghề và người đại diện của tổ chức kiểm toán độc lập tham gia kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề tham gia kiểm toán tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính, trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN, giải quyết tranh chấp về kiểm toán độc lập.

Chương III gồm các Điều 20, 21 và 22 về điều khoản thi hành.

Xuân An

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/de-xuat-sua-quy-dinh-ve-kiem-toan-doc-lap-doi-voi-ngan-hang-125140.htm