Đề xuất tầm nhìn 'Một trung tâm – Ba hành lang' cho TPHCM
Quyết sách sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TPHCM để tạo ra một siêu trung tâm kinh tế của Việt Nam mang tầm vóc thế kỷ của lãnh đạo quốc gia. Để TPHCM thực sự cất cánh, phát huy tối đa tiềm năng và thực hiện sứ mệnh đầu tàu, cần phải kiến tạo một tầm nhìn chiến lược dài hạn, đủ tham vọng và có tính khả thi. Tầm nhìn này phải vượt ra khỏi ranh giới hành chính, đặt TPHCM vào vị thế trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Bài viết đề xuất tầm nhìn 'Một trung tâm - Ba hành lang' cho TPHCM hướng đến mục tiêu này.

TPHCM nên được lựa chọn là tâm điểm như một “vùng đệm” năng động, một trung tâm kết nối tin cậy giữa các cường quốc và các nền kinh tế lớn mang tính chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam. Ảnh: LÊ VŨ
Định vị TPHCM trong chiến lược quốc gia
Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 là một khát vọng. Trên hành trình đó, TPHCM cần phải đóng vai trò tiên phong, là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, là trung tâm kết nối Việt Nam với kinh tế khu vực và toàn cầu. Sức mạnh cạnh tranh của một quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hóa được quyết định bởi sức mạnh cạnh tranh của các siêu đô thị. TPHCM có đầy đủ tố chất và tiềm năng để trở thành một đối trọng cạnh tranh sòng phẳng với các trung tâm đô thị hàng đầu châu Á.
Trong một thế giới đa cực và cạnh tranh chiến lược gay gắt, việc định vị Việt Nam như một “vùng đệm” năng động, một trung tâm kết nối tin cậy giữa các cường quốc và các nền kinh tế lớn mang tính chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam. TPHCM nên được lựa chọn là tâm điểm cho mục tiêu này. TPHCM có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư, công nghệ, nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới, một nơi trung gian để các bên gặp gỡ, hợp tác và thực hiện các giao dịch thương mại, tài chính quan trọng.
TPHCM cần đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các bài toán quan trọng của quốc gia gồm: (i) đưa Việt Nam trở thành một tâm điểm và trung gian giải quyết các vấn đề và dòng chảy kinh tế trong một thế giới phân cực và cạnh tranh của các siêu cường; (ii) nâng đỡ các “vùng trũng” về phát triển gồm Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); và (iii) xác lập vị thế chiến lược của Việt Nam trong ASEAN.
Tầm nhìn “Một trung tâm - Ba hành lang”
Một tầm nhìn phát triển 100 năm tới, với cấu trúc chiến lược “Một trung tâm - Ba hành lang” sẽ là một định hướng khả thi và mang lại cảm hứng cho TPHCM nói riêng, cả nước nói chung. TPHCM sẽ đóng vai trò là hạt nhân trung tâm, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bờ Đông sông Sài Gòn - trái tim hướng Đông, động lực hội nhập quốc tế
Trọng tâm của mô hình phát triển này là khu vực phía Đông sông Sài Gòn. Vị trí này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hướng phát triển tự nhiên ra biển Đông, kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải quốc tế; là nơi tập trung các khu công nghệ cao, các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu; là điểm giao thoa của các tuyến hạ tầng giao thông trọng yếu.
Trọng tâm của mô hình phát triển này là khu vực phía Đông sông Sài Gòn. Vị trí này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hướng phát triển tự nhiên ra biển Đông, kết nối trực tiếp với các tuyến hàng hải quốc tế; là nơi tập trung các khu công nghệ cao, các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu; là điểm giao thoa của các tuyến hạ tầng giao thông trọng yếu.
Khi được đầu tư đúng mức và kết nối thông suốt với các “vệ tinh” quan trọng như Đồng Nai (đặc biệt là khu vực sân bay Long Thành) và các đô thị của Bình Dương hiện nay, phía Đông sông Sài Gòn sẽ thực sự trở thành một “trái tim” năng động, một trung tâm tài chính, công nghệ, thương mại và dịch vụ tầm cỡ quốc tế. Trung tâm này không chỉ thúc đẩy kinh tế hướng biển, tăng cường hội nhập mà còn tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ về phía Đông Bắc, kết nối thông suốt với các tỉnh Nam Trung bộ. Đây chính là nơi được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng đột phá cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung trong kỷ nguyên vươn mình, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một “Singapore mới”, một “Phố Đông” hay một “Incheon” ngay tại Việt Nam - những biểu tượng về sự trỗi dậy thần kỳ của các đô thị và các nền kinh tế thành công ở châu Á.
Ba hành lang kết nối
Từ trung tâm, ba hành lang chiến lược (Tây Nam, Tây Bắc và Tây) sẽ vươn ra, tạo thành một mạng lưới phát triển bao trùm và cân đối.
Hành lang Tây Nam kết nối ĐBSCL. Hướng phát triển này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ vì ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước mà còn vì đây là khu vực cần được ưu tiên đầu tư để thu hẹp khoảng cách phát triển. Trung ương đã xác định đây là hướng chiến lược và đang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng. Việc tích hợp hành lang này vào tầm nhìn chung sẽ tạo ra sự cộng hưởng mạnh mẽ, kết nối hiệu quả giữa trung tâm công nghiệp - dịch vụ TPHCM với vùng nguyên liệu và nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, đồng thời củng cố niềm tin và định hướng phát triển bền vững cho cả vùng Tây Nam bộ và Đông Nam bộ.
Hành lang Tây Bắc kết nối Tây Nguyên. Đây là hướng đi mang tính chiến lược nhằm “mở khóa” tiềm năng của vùng Tây Nguyên, một địa bàn có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng còn yếu kém. Việc hình thành trục kết nối thông suốt từ TPHCM qua các trung tâm công nghiệp Bình Dương, Bình Phước lên Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hai chiều (nông sản, khoáng sản từ Tây Nguyên xuống cảng và hàng công nghiệp, tiêu dùng từ Đông Nam bộ lên), thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch..., góp phần giải quyết căn cơ bài toán phát triển bền vững cho Tây Nguyên.
Hành lang phía Tây kết nối ASEAN qua Campuchia. Hành lang này mở ra cánh cửa kết nối trực tiếp với Campuchia và các nước ASEAN lục địa khác. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, đặc biệt là cao tốc TPHCM - Mộc Bài và các tuyến đường sắt kết nối, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao thương biên giới, thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu, nâng cao vai trò cầu nối của Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và hiện thực hóa các lợi ích từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Khát vọng “Phố Đông” bên bờ Đông sông Sài Gòn: Mô hình và cơ chế vượt trội
Biến khu vực bờ Đông sông Sài Gòn thành một trung tâm phát triển đẳng cấp quốc tế như Singapore, Phố Đông hay Incheon đòi hỏi không chỉ nguồn lực đầu tư khổng lồ mà còn cần những ý tưởng đột phá về mô hình và cơ chế chính sách. Đó là sự kết hợp “Thể chế kinh tế Singapore - An ninh quốc phòng Việt Nam”.
Quy mô “đặc khu” này nên vào khoảng 650-700 ki lô mét vuông, tương đương 10% diện tích TPHCM mở rộng, tương đương Singapore, Incheon, hay vùng lõi phát triển của Tokyo, Seoul, Jakarta và Manila. Đặc khu này cần được áp dụng một khung thể chế, chính sách mang tính cạnh tranh quốc tế vượt trội: thủ tục hành chính tinh gọn tối đa, cơ chế một cửa liên thông, chính sách thuế ưu đãi đặc biệt, cơ chế thu hút nhân tài linh hoạt, và quyền tự chủ cao hơn trong quản lý kinh tế.
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm này. Việc tái cấu trúc, sắp xếp lại các đơn vị hành chính là thời cơ vàng để thực hiện những ý tưởng táo bạo này. Tuy nhiên, cần có cách tiếp cận thực tế và hiệu quả: thay vì dàn trải nguồn lực trên một không gian rộng lớn, nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng đột phá nhất, tạo ra những “cực tăng trưởng” lan tỏa. Cách làm này vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư, vừa tránh được những xáo trộn không cần thiết về mặt xã hội.
Bài học từ những nơi đã thành công cho thấy sự thành công không chỉ đến từ vị trí địa lý hay nguồn vốn đầu tư, mà quan trọng hơn là từ một tầm nhìn chiến lược rõ ràng, sự ủng hộ mạnh mẽ của trung ương và việc xây dựng được một thể chế quản lý hiện đại, linh hoạt, hiệu quả.
Tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn lực tài chính
Hai yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của tầm nhìn thế kỷ này chính là hạ tầng và cơ chế tài chính.
Cách mạng hạ tầng kết nối. Tình trạng tắc nghẽn, thiếu đồng bộ của mạng lưới giao thông kết nối vùng TPHCM hiện nay là trở lực lớn nhất, làm suy giảm hiệu quả kinh tế và chất lượng sống. Cần một cuộc cách mạng thực sự trong đầu tư hạ tầng với các ưu tiên sau:
Thứ nhất, hoàn thành dứt điểm các tuyến vành đai. Vành đai 3 và Vành đai 4 không chỉ là các tuyến đường giao thông mà còn là các trục phát triển đô thị, công nghiệp, logistics mới, định hình lại không gian kinh tế của cả vùng.
Thứ hai, đẩy nhanh các tuyến cao tốc hướng tâm và liên vùng. TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành (kết nối Tây Nguyên), các tuyến cao tốc về miền Tây (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành...).
Thứ ba, phát triển hệ thống đường sắt. Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn TPHCM - Nha Trang), các tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm với các đô thị vệ tinh và sân bay Long Thành.
Thứ tư, định vị và phát triển hệ thống cảng biển và logistics. Phát huy hiệu quả hệ thống cảng trong vùng, đặc biệt là tính chiến lược của cảng Cái Mép - Thị Vải. Thêm vào đó, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại là hết sức quan trọng.
Thứ năm, phát triển hạ tầng số. Đây là một trong những hạ tầng chiến lược cho các hình thái kinh tế hiện đại trong tương lai.
Đột phá cơ chế tài chính. Nhu cầu vốn cho hạ tầng là khổng lồ, trong khi cơ chế tài chính hiện hành lại quá eo hẹp. TPHCM cần những cơ chế tài chính đột phá để tạo nguồn lực bền vững. Ba vấn đề sau đây cần được tập trung.
Thứ nhất, phân cấp ngân sách mạnh mẽ hơn. Trao quyền tự chủ lớn hơn cho TPHCM trong việc quyết định các khoản thu, chi và đặc biệt là cơ chế giữ lại nguồn thu. Đề xuất về việc cho phép TPHCM giữ lại tỷ lệ lớn hơn từ phần ngân sách tăng thêm hàng năm là một ý tưởng đáng cân nhắc. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực ổn định, có thể dự báo trước, giúp TPHCM chủ động lập kế hoạch đầu tư dài hạn. Có thể thực hiện theo cách giữ nguyên hiện trạng và chỉ thay đổi công thức phân chia cho phần tăng thêm.
Thứ hai, đòn bẩy tài chính thông minh. Với công thức phân chia ngân sách mới, dòng tiền tăng thêm sẽ được hình thành. Khi đó, TPHCM có thể sử dụng nó làm tài sản bảo đảm để vay vốn ưu đãi hoặc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với quy mô lớn (hàng trăm tỉ đô la Mỹ), đủ sức thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm theo kiểu “cuốn chiếu”, tạo ra bước nhảy vọt về hạ tầng thay vì chờ đợi tích lũy từng năm. Đây chính là cách “dùng tiền tương lai để đầu tư cho hiện tại”, mở khóa tiềm năng phát triển.
Thứ ba, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai (TOD) và xã hội hóa (PPP). Nghị quyết 98 đã mở ra cơ hội pháp lý quan trọng. Cần cụ thể hóa và đẩy mạnh việc áp dụng mô hình TOD, thu hồi phần giá trị đất đai tăng thêm từ đầu tư hạ tầng (nhất là metro) để tái đầu tư. Đồng thời, hoàn thiện thể chế PPP để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng, theo công thức “1 đồng vốn mồi của Nhà nước có thể huy động 4-8 đồng vốn xã hội”. Nếu cơ chế này thành công sẽ góp phần giải quyết bài toán về nhà ở và cấu trúc lại hình thái của một đô thị hiện đại có năng lực cạnh tranh cao.
Tóm lại, “Một trung tâm - Ba hành lang” là tầm nhìn dài hạn mang tính đột phá cho sự phát triển của TPHCM. Tầm nhìn này là một cách thức hiện thực hóa khát vọng và chiến lược vươn mình đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra. Quyết tâm chính trị trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và nguồn lực sẽ là chìa khóa để TPHCM phát huy tối đa tiềm năng, thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-xuat-tam-nhin-mot-trung-tam-ba-hanh-lang-cho-tphcm/