Đề xuất tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động thể thao
Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội thể thao Đông Nam Á – SEA Games 31, ngày 11/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Ban Thể thao và Phụ nữ của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) lần thứ hai với sự tham dự của 9 đại diện Ban Thể thao và Phụ nữ các quốc gia Đông Nam Á.
Đây là phiên họp cuối cùng trong nhiệm kỳ SEA Games 31 năm 2020-2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng xem lại và thông qua Biên bản Hội Nghị Ban Thể thao và phụ nữ lần thứ Nhất diễn ra ngày 21/11/2020 bằng hình thức trực tuyến tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thông qua danh sách đại biểu Ban Thể thao và Phụ nữ SEA Games 31; nghe công tác tổ chức SEA Games 31; cùng chia sẻ về hoạt động thể thao và phụ nữ tại các nước.
Thông tin về các hoạt động thể thao và phụ nữ tại Đông Nam Á, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thể dục, thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, với việc thông qua Chương trình nghị sự Olympic 2020, Ủy ban Olympic quốc tế đã kêu gọi hợp tác cùng với liên đoàn thể thao quốc tế và Các Ủy ban Olympic quốc gia cũng như các nền tảng khu vực, quốc gia, quốc tế khác nhau để tăng cường khả năng chơi thể thao cho trẻ em gái và phụ nữ. Đồng thời đạt được hai mục tiêu là làm cho việc tiếp cận thể thao nói chung, Thế vận hội Olympic nói riêng với các vận động viên nữ dễ dàng hơn; tăng số lượng phụ nữ tham gia quản lý và điều hành thể thao.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân có một thực trạng là đại diện của phụ nữ trong Ủy ban điều hành và Thường trực của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) mà không có phụ nữ trong thành phần của Hội đồng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), Điều hành, Thể thao và Quy tắc và các Ủy ban Y tế. Số lượng nữ lãnh đạo và quản trị viên trong cơ cấu các Ủy ban Olympic quốc gia vẫn còn rất thấp. Không có nữ Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc gia nào trong 11 Ủy ban Olympic quốc gia Đông Nam Á. Hiện nay, sự tham gia của phụ nữ vào các sự kiện thể thao không ngừng tăng lên, nhưng tỷ lệ bình đẳng giới trong các cơ cấu chi phối các môn thể thao là không cân đối.
Đưa ra đề xuất của Ủy Ban Thể thao và Phụ nữ SEAGF, bà Nguyễn Thị Bích Vân nhấn mạnh, bình đẳng giới là ưu tiên hàng đầu của Phong trào Olympic. Thể thao là một trong những nền tảng mạnh mẽ nhất để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái. Với tư cách là người lãnh đạo Phong trào Olympic, Ủy ban Olympic quốc gia cần có hành động liên tục để thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các chiến dịch phát triển lãnh đạo, vận động và nâng cao nhận thức, đồng thời bổ nhiệm nhiều phụ nữ hơn vào vai trò lãnh đạo trong chính quyền và các vị trí quản trị quan trọng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, bàn thảo về vấn đề trên, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động thể thao và phụ nữ Đông Nam Á. Các đại biểu thống nhất đưa ra 2 đề xuất chính là: Đề nghị tất cả các Ủy ban Olympic các nước cần phải có Ủy ban Thể thao và Phụ nữ; nên có 30% phụ nữ tham gia vào Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Kiến nghị này sẽ được đề xuất lên Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (SEAGF) tại Hội nghị Hội đồng SEAGF diễn ra sáng 12/5.