Đề xuất tăng giờ làm việc bán thời gian cho học sinh, sinh viên

Bộ LĐTB&XH đề xuất, học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động được làm việc bán thời gian không quá 24 giờ trong 1 tuần trong thời gian học.

Học sinh, sinh viên làm việc không quá 24 giờ trong 1 tuần

Dự thảo lần 3 Luật Việc làm (sửa đổi) đang được Bộ LĐTB&XH là cơ quan soạn thảo lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có điều chỉnh quy định việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên. Cụ thể, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy, đủ độ tuổi lao động được làm việc nhưng không quá 24 giờ trong 1 tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Tiền lương của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được mức thấp hơn lương tối thiểu theo giờ.

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội hỗ trợ và tạo điều kiện cho sinh viên đi làm thêm tại DN để trang bị kỹ năng và có thu nhập.

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội hỗ trợ và tạo điều kiện cho sinh viên đi làm thêm tại DN để trang bị kỹ năng và có thu nhập.

Như vậy, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần 3, Bộ LĐTB&XH đã có điều chỉnh tăng thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên từ 20 giờ/tuần lên 24 giờ/tuần, sau khi nhận được những góp ý từ các cơ quan, DN. “Quy định này nhằm hướng tới bảo đảm học sinh, sinh viên vừa thực hiện tốt việc học tập; đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Hoặc để có kinh nghiệm làm việc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc” – đại diện Bộ LĐTB&XH cho hay.

Góp ý cho đề xuất việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên là nội dung mới trong dự thảo Luật so với Luật Việc làm năm 2013, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi trong thực hiện, bảo đảm phù hợp với bối cảnh quản lý kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc đề xuất chính sách cần có giải pháp và cách thức quản lý đi kèm.

Bộ LĐTB&XH đề xuất học sinh, sinh viên được làm việc bán thời gian không quá 24 giờ trong 1 tuần.

Bộ LĐTB&XH đề xuất học sinh, sinh viên được làm việc bán thời gian không quá 24 giờ trong 1 tuần.

Trong khi đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan soạn thảo tách ra thành 2 đối tượng là học sinh, sinh viên để có quy định số giờ được phép làm việc trong kỳ học phù hợp cho từng đối tượng. Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng chất lượng công việc đã thực hiện nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Linh hoạt số giờ làm thêm theo ngành học

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần 3, Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất, người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động. Về phía cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc sau khi đã thông báo về tình trạng việc làm.

Trao đổi với phóng viên về đề xuất học sinh, sinh viên được làm việc bán thời gian 24 giờ trong 1 tuần, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà cho hay: Quy định thời gian làm việc cho học sinh, sinh viên là câu chuyện rất khó. Bởi vì nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, sinh viên làm thêm đến 30 tiếng/tuần cũng không đủ tiền để chi tiêu. Nhưng nếu quy định thời gian làm việc quá nhiều thì ảnh hưởng đến việc học của sinh viên; bởi nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập.

Sinh viên mong muốn Bộ LĐTB&XH linh hoạt và xem xét đặc thù của từng ngành nghề để quy định số giờ làm thêm phù hợp, nhất là đối với những em học ngành Hướng dẫn du lịch.

Sinh viên mong muốn Bộ LĐTB&XH linh hoạt và xem xét đặc thù của từng ngành nghề để quy định số giờ làm thêm phù hợp, nhất là đối với những em học ngành Hướng dẫn du lịch.

Theo TS Trịnh Thị Thu Hà, các nhà trường, đặc biệt là những trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp cần có một bộ phận tổ chức kết nối tạo việc làm cho sinh viên. Khi nhà trường có sự quản lý, vai trò trong việc kết nối việc làm cho sinh viên thì sẽ đảm bảo về điều kiện làm việc, thời gian làm việc, mức lương thỏa đáng. Phía DN sẽ có những sinh viên tuân thủ các quy định, nguyên tắc của DN. Sinh viên sẽ nhận được mức tiền lương bảo đảm. Khi sinh viên đi làm thêm, nhà trường sẽ bố trí lịch học tại trường và thời gian các em làm việc tại DN một cách hợp lý; tương đối ổn định.

Nhiều sinh viên đồng tình với Bộ LĐTB&XH cần có quy định số giờ làm thêm bán thời gian để đảm bảo việc học tập và thực hành. Thực tế hiện nay, nhiều học sinh trường trung cấp, sinh viên trường cao đẳng đi làm thêm để có thu nhập cũng là cách để phụ giúp cha mẹ tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống. “Việc áp dụng quy định học sinh, sinh viên được làm thêm tối đa 24 giờ/tuần có thể gây khó khăn cho những người học ngành Du lịch, nhất là mùa cao điểm đi làm hướng dẫn viên từ sáng sớm đến tối muộn. Vì thế, chúng em rất mong Bộ LĐTB&XH linh hoạt và xem xét đặc thù của từng ngành nghề để có quy định số giờ làm thêm phù hợp” – em Quyền Bình Minh, sinh viên năm 3 ngành Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội mong muốn.

Trước những ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Vũ Trọng Bình cho biết, đơn vị sẽ nghiên cứu, tiếp thu. Về cơ bản là cố gắng thiết kế quy định để hỗ trợ học sinh, sinh viên khi đi làm thêm đỡ bị thiệt thòi và trường hợp có vấn đề gì thì pháp luật bảo vệ họ.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-xuat-tang-gio-lam-viec-ban-thoi-gian-cho-hoc-sinh-sinh-vien.html