Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 khoảng 5 - 6%: Chủ sử dụng lao động nói gì?
Bất chấp những khó khăn, người lao động và các chuyên gia cho rằng vẫn nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Mức tăng dự kiến từ 5-6% được cho là hợp lý.
Kết quả khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thực hiện mới đây từ gần 3.000 lao động thuộc sáu tỉnh, thành cả nước, công bố ngày 8/8, cho thấy: Thu nhập của người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, chăm sóc con cái...
Theo khảo sát, chỉ 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống. 75,5% còn lại trả lời thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu. Thậm chí có người nhận mức lương chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Chỉ có 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập; 11,2% không thể đủ sống và ngoài thời gian làm việc tại doanh nghiệp phải làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập.
Đáng lưu ý, 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an. Do không có tích lũy, nhiều người lao động khi gặp khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần. 12,3% người lao động từng rút một lần, số lần rút trung bình là 1,13 lần, trong đó người rút nhiều nhất là 4 lần.
Bên cạnh đó, người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê nhà (trung bình hơn 1,8 triệu đồng).
Tiền lương cũng được coi là nguyên nhân chính ảnh hưởng quyết định lập gia đình của 53,7% và quyết định có con của 72% người lao động. Có 17,6% người lao động không sống cùng con dưới 18 tuổi vì lý do tiền lương thấp và 2,2% người lao động chưa từng mua sữa công thức cho con dưới 6 tuổi. Chỉ có 37,7% người lao động có tiền lương đảm bảo nhu cầu học tập của con.
Chỉ có 26,2% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hàng ngày; 10,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết với thu nhập hiện nay họ ít khi (1 lần/tuần) có điều kiện để ăn thịt, cá trong bữa ăn tại gia đình.
Căn cứ theo kết quả khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023, cũng như chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, cuộc họp phiên thứ nhất năm 2023 của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 9/8, đại diện tổ chức công đoàn mong muốn điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá để duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, với mức đề xuất tăng 5-6%.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã có những chia sẻ về nội dung liên quan tới tăng lương tối thiểu.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đời sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với trước đây. Tuy nhiên trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu thì khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Đại diện cho chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho hay, doanh nghiệp rất quan tâm và coi người lao động là tài sản vô giá.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đời sống doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu tối đa của người lao động là được đi làm và doanh nghiệp mong muốn tìm thật nhiều việc làm cho họ. Nhiều doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động.
Theo ông Hoàng Quang Phòng: "Chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh ngay lúc này thì không thể". Ông Phòng lý giải, do các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu. Lương tối thiểu liên quan cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội... mà các doanh nghiệp còn đề xuất giảm đóng quỹ này.
Theo ông Phòng, "chúng ta chưa nên quyết định ngay điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Xem xét tăng lương cần phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây".
Gần đây nhất, từ 1/7/2022 mức tăng lương tối thiểu vùng đã tăng thêm 6%, áp dụng cho cả 4 vùng. Lần đầu tiên, Hội đồng tiền lương đã ban hành mức lương tối thiểu vùng theo giờ cụ thể. Cụ thể, theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Theo quy định Điều 91 Bộ Luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.