Đề xuất tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công lên hơn 2,7 triệu đồng/tháng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ ban hành quy định điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng/tháng hiện hành lên 2,789 triệu đồng, thời điểm tăng từ 1/7 năm nay...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến các cơ quan liên quan về đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Căn cứ để thực hiện việc điều chỉnh này là dựa trên việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

ĐƯỢC TĂNG TRỢ CẤP TỪ NGÀY 1/7

Cụ thể, Nghị quyết số 104/2023/QH15 quy định, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công đang gắn với lương cơ sở. Lương cơ sở dự kiến sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 30%, áp dụng từ ngày 1/7 tới.

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ 2,055 triệu đồng, lên thành 2,789 triệu đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng là 35,7%.

Dự kiến quy định này sẽ được thực hiện kể từ ngày 1/7/2024. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công này đã được Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng năm, một lần, và mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tiếp tục gắn với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng như quy định hiện hành.

Về mức chi chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất được thực hiện kể từ ngày 1/1/2025, thay vì 1/7 tới.

Lý giải về đề xuất này, Bộ cho rằng theo quy định hiện hành, danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà được lập trong quý I của năm. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chế độ điều dưỡng được thực hiện xuyên suốt trong năm, nên thời điểm hưởng chế độ của các đối tượng là khác nhau.

Do đó, nếu quy định thời điểm thực hiện chế độ điều đưỡng kể từ ngày 1/7/2024, thì chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện theo 2 mức chuẩn: 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,055 triệu đồng, 6 tháng cuối năm thực hiện theo mức chuẩn 2,789 triệu đồng.

Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm 2024, thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm.

Vì vậy, để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi tính theo mức chuẩn 2,055 triệu đồng, Bộ này đề xuất thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng theo mức chuẩn kể từ ngày 1/1/2025.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tính toán, theo phương án nâng mức chuẩn lên 2,789 triệu đồng, thì kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng năm 2024 là trên 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng.

LUÔN ĐƯỢC QUAN TÂM ĐIỀU CHỈNH CAO NHẤT

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: MOLISA.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh: MOLISA.

Gần đây nhất, năm 2023, trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng cao hơn lương cơ sở 5,7%. Cụ thể, lương cơ sở điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%), thì mức chuẩn trợ cấp trợ cấp ưu đãi người có công cũng điều chỉnh lên 2,055 triệu đồng (tăng 26,5%).

Theo kết quả thống kê từ các địa phương cho thấy tỷ lệ giảm tự nhiên của người có công với cách mạng tăng nhanh, nhất là người có công là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...

Hơn nữa, với độ tuổi của người có công cao (khoảng từ 75 đến 95 tuổi), Bộ cho rằng việc thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt, nhất là điều chỉnh ngay mức trợ cấp ưu đãi hằng tháng ở mức cao nhất là rất cần thiết.

Thực tế với tỷ lệ giảm tự nhiên nhanh thì trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (2024- 2034), có thể là “10 năm vàng” để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Do đó, việc ban hành quy định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là cần thiết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị quyết của Quốc hội, và cụ thể hóa thực hiện chính sách, chế độ chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, và thân nhân của họ.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-tang-muc-chuan-tro-cap-uu-dai-nguoi-co-cong-len-hon-2-7-trieu-dong-thang.htm