Đề xuất tăng mức hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động
Đào tạo nghề ngắn hạn là giải pháp giúp người lao động trang bị kỹ năng tay nghề để tăng cơ hội việc làm, thu nhập. Tuy nhiên, nhiều người lao động chưa mặn mà tham gia đào tạo nghề bởi nhiều lý do, rất cần được Nhà nước, địa phương có thêm chính sách hỗ trợ.
Người học nghề khi chuyển đổi việc có thu nhập cao hơn
Đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, nhằm tăng năng suất lao động cho DN và thu nhập cho người lao động.
Trong bài tham luận gửi tới tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” do Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam, TS. Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội thông tin: thời gian qua, nhà trường đào tạo các nghề trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho chủ yếu là cán bộ quản lý nhà nước, người lao động làm việc trực tiếp, lãnh đạo quản lý trong DN, người lao động chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài,...
Bên cạnh đó, nhà trường tập trung đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề, chủ yếu trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, nghiệp vụ lưu trú... và theo đơn đặt hàng của các DN ở một số tỉnh thành. Nhà trường còn đào tạo một số nghiệp vụ lễ tân, giao tiếp quốc tế cho một số cơ quan nhà nước, văn phòng và lãnh đạo các tập đoàn, DN.
Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long đã triển khai đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động phi chính thức và nỗ lực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cho những hoạt động này. Đó là những dự án tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ cho lao động yếu thế có khả năng tiếp cận với dịch vụ đào tạo nghề còn hạn chế, năng lực tài chính hạn hẹp; để họ được tham gia chương trình và tìm kiếm việc làm bền vững. Nhà trường phối hợp với Tổ chức Plan (Australia) đào tạo nghề Thương mại điện tử, Chăm sóc sắc đẹp, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kế toán...; kết quả đã giúp cho khoảng 700 nữ lao động di cư có nghề và tìm được việc làm.
Bên cạnh đó, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long đào tạo ngắn hạn cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, với các nghề Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Kỹ thuật chế biến món ăn, Chăm sóc sắc đẹp để họ được trang bị kỹ năng, chuyển đổi nghề...
Lãnh đạo các trường nhận thấy, các chương trình đào tạo ngắn hạn này sát với nhu cầu người lao động và mang đến hiệu quả cao nhất. Khi tốt nghiệp các khóa đào tạo, nhiều người lao động tìm được việc làm mới có mức thu nhập cao hơn công việc trước đây đã làm.
Tăng mức hỗ trợ học phí học nghề và chi phí đi lại
Đào tạo nghề ngắn hạn (trong thời gian dưới 6 tháng) mang lại hiệu quả cho đối tượng tham gia học nghề, nhất là những người bị mất việc làm. Tuy nhiên, số lao động phi chính thức, trong đó có cả những lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề ngắn hạn lại chưa nhiều. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; tuy nhiên chỉ có 27.457 người đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề (chiếm 3,9%).
Những người không tham gia học nghề là bởi họ chưa có định hướng nghề nghiệp khi thất nghiệp; có nhiều cơ cơ hội tìm việc làm mới. Với những người lao động ở khu vực nông thôn, làng nghề thì khó sắp xếp được nhiều ngày đi học trực tiếp ở lớp. Không có kinh phí học nghề, lớp học ở xa, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lao động (đa số là trụ cột gia đình) không học nghề ngắn hạn.
Từ thực tế, nhiều người lao động chưa mặn mà tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh cho rằng, cơ quan quản lý, địa phương cơ sở đào tạo nghề rất cần xem lại một số việc. Thứ nhất là nghề đào tạo có phù hợp với định hướng của người lao động? Thứ hai, người lao động học vào thời gian nào, điều kiện đào tạo nghề ra sao? Thực tế, có những quy định quá cứng trong việc học nghề như phải học tập trung tại lớp vào các ngày trong tuần khiến người lao động không thể tham gia, vì họ phải đi làm việc tạm thời để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Vì thế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm cần xây dựng chương trình đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với đối tượng; có thể đào tạo trực tuyến những nghề như Kế toán, Bán hàng online, Công nghệ thông tin... để người học không phải đến lớp học tập trung trong thời gian 3 – 6 tháng.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội TS Trịnh Thị Thu Hà cho rằng, các địa phương nên có những chính sách hỗ trợ cho người lao động để được đào tạo nghề một cách bài bản, vững tay nghề thông qua các cơ sở đào tạo uy tín. Về phía Bộ LĐTB&XH nên xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn vị trí việc làm tại các cơ sở kinh doanh cũng như yêu cầu về trình độ tay nghề với người lao động để từ đó có những cơ chế để kiểm soát chất lượng lao động tại DN và các cơ sở kinh doanh. Rất nên có chính sách hỗ trợ các DN trong đào tạo và đào tạo lại cho người lao động để nâng cao hiệu suất lao động và giữ được việc làm.
Một giải pháp được các trường đề nghị là Nhà nước, tỉnh, TP đặt hàng các trường đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở khu vực phi chính thức phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt những ngành ưu tiên phát triển của quốc gia và các địa phương. Nhà nước xây dựng chính sách tăng mức hỗ trợ học phí và có thêm hỗ trợ tiền đi lại cho người học ở xa (đối với người ở xa lớp học), đặc biệt ở những ngành nghề mũi nhọn, thiếu hụt nhân lực.