Đề xuất tăng mức phạt vi phạm hành chính trên không gian mạng

Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực an ninh mạng. Theo đó, đề xuất tăng nặng mức xử phạt hành chính với các hành vi đăng tải thông tin giả, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống… trên không gian mạng.

Công an TP.Biên Hòa làm việc với một trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: C.T.V

Công an TP.Biên Hòa làm việc với một trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh: C.T.V

* Tăng mức phạt với tin giả, sai sự thật

Điểm mới nổi bật trong dự thảo nghị định nói trên tập trung ở Mục 1 quy định 5 điều vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin. 5 điều này đã quy định lại một cách chi tiết và nâng mức xử phạt đối với hành vi đăng thông tin giả, sai sự thật, xúc phạm cá nhân, tổ chức… (đang được quy định trong Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh mạng điều chỉnh các hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP (mức phạt 10-20 triệu đồng) thành: “Phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” có mức phạt từ 20-40 triệu đồng và “Làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác” có mức phạt từ 40-60 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo cũng nâng mức phạt đối với hành vi: “Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” lên 20-40 triệu đồng (theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP mức phạt từ 20-30 triệu đồng).

Đáng chú ý, Mục 1 của dự thảo còn có quy định hành vi VPHC mới là: “Thiết lập các trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc tài khoản, chuyên trang trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử để đăng tải, hướng dẫn thực hiện việc làm ra, đăng tải thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” với khung phạt từ 40-60 triệu đồng.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh nhận định, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh mạng quy định khá chi tiết, sát sườn những vướng mắc từ thực tế với mức xử phạt được điều chỉnh nâng cao so với quy định hiện hành, nhất là với hành vi vừa tự làm nội dung, vừa tự lan truyền thông tin sai sự thật có mức phạt cao hơn nhiều so với người chỉ lan truyền thông tin đó. Có như vậy mới đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

* Nâng cao tính răn đe, giáo dục

Theo Bộ Công an, hiện mức lợi nhuận thu được từ các hoạt động trên không gian mạng rất cao, trong đó có không ít hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Nếu không tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng sẽ không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với thiệt hại của các hành vi vi phạm pháp luật gây ra... Đồng thời, mức phạt thấp cũng có thể gây ra tình trạng một số cá nhân, tổ chức có tâm lý chấp nhận nộp phạt để thu lợi cao từ việc vi phạm.

Bên cạnh việc nâng mức xử phạt tiền và cảnh cáo, dự thảo còn bổ sung một số hình thức phạt, biện pháp khắc phục mới như: tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đồng thời, khi gỡ bỏ thông tin sai, giả mạo, người vi phạm còn buộc phải đính chính, cải chính, công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đây là những hình thức phạt mới, mang tính răn đe cao nếu được áp dụng vào thực tiễn.

Theo Sở TT-TT, các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng thường xuyên được Thanh tra Sở TT-TT phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý. Khi có riêng một nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh mạng với các quy định xử phạt chi tiết sẽ giúp lực lượng chức năng dễ xác định hành vi cụ thể của người vi phạm. Đơn cử như dự thảo phân tách rõ hành vi “làm ra và phát tán thông tin” với “phát tán thông tin”. Dựa vào đó, ngành chức năng có căn cứ để xác định chính xác hành vi vi phạm cũng như mức phạt tương ứng.

Theo Bộ Công an, khi dự thảo Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh mạng được thông qua sẽ giảm tình trạng các hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”. Đồng thời, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202109/de-xuat-tang-muc-phat-vi-pham-hanh-chinh-tren-khong-gian-mang-3081204/