Đề xuất tăng ngân sách dự trữ xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã đề xuất nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu từ 9 ngày nhập ròng lên 15 ngày và giai đoạn 2026-2030 nâng lên 30 ngày nhập ròng
Ngày 28-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm giải trình.
Làm rõ trách nhiệm
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ… bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình thế giới, còn có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp. Vì vậy, phiên giải trình là cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu Quốc hội và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị định 95/2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận xăng dầu luôn là vấn đề "nóng", ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Ông đề nghị các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các đại biểu tham dự thẳng thắn trao đổi, xác định rõ vấn đề vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp để thay đổi thực trạng, ổn định thị trường xăng dầu, đóng góp quan trọng vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tập trung vào các vấn đề về đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống…
Cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.
"Lệch pha" giữa giá Việt Nam và giá thế giới
Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Đó là doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến bị động khi phải tìm nguồn thay thế. Đánh giá về cơ cấu nguồn cung xăng dầu, cơ sở phân giao tổng nguồn; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch.
Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh; chưa "tính đúng, tính đủ" cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hằng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế. Hơn nữa, việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy "giá trung bình" của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành "giá trần" cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất "trần", vừa tạo ra sự "lệch pha" giữa giá Việt Nam và giá thế giới.
Bên cạnh đó, việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá; điều kiện kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, chưa có sự ràng buộc về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường; quản lý nhà nước về xăng dầu giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc trong lĩnh vực này giao Bộ Công Thương quản lý để bảo đảm chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành; cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, găm hàng trong kinh doanh xăng dầu…
Cần 4.100 tỉ đồng dự trữ xăng dầu mỗi năm
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vấn đề khó khăn hiện nay là tỉ giá đồng USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với những biến cố của hệ thống ngân hàng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Còn khó khăn khác trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Ngoài ra, nguồn cung xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (thời điểm đầu năm và cuối năm 2022)...
Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ khó khăn chủ yếu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề tài chính. Để xử lý các khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, nhà máy và các ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp. Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ trì chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) trong quá trình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho nhà máy, góp phần duy trì ổn định nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, bộ đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất: Từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước (NSNN). Hiện nay, NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia.
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hằng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỉ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định 1030/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai Bộ trưởng cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến bảo đảm nguồn cung, phương pháp tính giá, thời gian giữa hai kỳ điều hành giá, về dự trữ xăng dầu, phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước…
Theo dõi, giám sát quá trình thực hiện
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị sau phiên giải trình, Ủy ban Kinh tế ban hành kết luận và đề xuất kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện các trách nhiệm được pháp luật quy định. Các bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch thực hiện các giải pháp, kiến nghị về nội dung giải trình trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế tiếp tục theo dõi, giám sát cơ quan, cá nhân có liên quan thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tăng nguồn xăng dầu cho doanh nghiệp
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, cơ bản việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm. Năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/de-xuat-tang-ngan-sach-du-tru-xang-dau-20230228210044928.htm