Đề xuất tăng thêm 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Bộ Tài chính, thay thế Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg.
Bộ Tài chính cho biết, trong 7 năm qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động thị trường chứng khoán.
Công tác quản lý, điều hành và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) được thúc đẩy, qua đó giúp TTCK Việt Nam ngày càng phát triển và hoàn thiện về cấu trúc, quy mô, tổ chức thị trường giao dịch, tổ chức trung gian và thu hút sự tham gia đông đảo các nhà đầu tư; từ đó đưa TTCK Việt Nam trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế.
Về quy mô và cấu trúc thị trường: TTCK Việt Nam đã hoàn thiện về cấu trúc với việc hình thành các thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu (trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ) và TTCK phái sinh.
Trong đó, đối với thị trường cổ phiếu: Quy mô vốn hóa đến thời điểm 26/4/2024 đạt 6.480 nghìn tỷ đồng, tương đương 63,4% GDP ước tính năm 2023, gấp 4,8 lần so với cuối năm 2016. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh và giữ ổn định ở mức cao. Trong giai đoạn 2018-2020 giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 6.200 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2021 đến ngày 26/4/2024, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 21.715 tỷ đồng.
Đến ngày 26/4/2024, quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu Chính phủ là 2.037 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 20% GDP ước tính năm 2023 (gấp 2,7 lần giá trị niêm yết cuối năm 2015) và chiếm 97% quy mô toàn thị trường trái phiếu; giá trị giao dịch bình quân phiên đạt giai đoạn từ năm 2017 đến nay ở mức cao, đạt khoảng 9.000 tỷ đồng (gấp gần 2 lần giai đoạn từ năm 2014-2016); giá trị giao dịch bình quân phiên tính từ đầu năm 2024 đến ngày 19/4/2024 đạt 9.820 tỷ đồng. Quy mô huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2023 đạt hơn 1.847 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt khoảng 264 nghìn tỷ/năm.
TTCK phái sinh mới đi vào hoạt động từ tháng 8/2017 nhưng đã có bước tăng trưởng tốt. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh liên tục gia tăng, đạt 1.623.474 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 4/2024, gấp gần 95 lần so với cuối năm 2017.
Về vai trò huy động vốn: TTCK Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công, đầu tư công, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và quá trình cổ phần hóa DNNN. Trong giai đoạn 2021-2023, giá trị huy động vốn (qua phát hành chứng khoán ra công chúng và phát hành riêng lẻ cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền) đạt khoảng 313 nghìn tỷ đồng, tương đương tổng giá trị vốn huy động giai đoạn 2016-2020 (311 nghìn tỷ đồng) và bằng 170% giá trị đạt được giai đoạn 2011-2015.
Về hệ thống tổ chức thị trường giao dịch: Mô hình tổ chức thị trường giao dịch được hoàn thiện trên cơ sở thành lập một Sở giao dịch chứng khoán thống nhất hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con; đồng thời, từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK cho phép rút ngắn thời gian thanh toán, cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký, lưu ký chứng khoán, đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán.
Về hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán: tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán đã có sự phát triển cả về năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính, nhờ đó đa dạng hóa và cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tính tuân thủ của khách hàng và quản trị rủi ro trong quá trình hoạt động, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Về sự tham gia của các nhà đầu tư: TTCK Việt Nam đã thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đến hết tháng 3/2024 đạt gần 7,7 triệu tài khoản, tăng 5,5% so với cuối năm 2023 và tăng gần 4,5 lần so với đầu năm 2016. Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt hơn 7,64 triệu tài khoản, tăng 5,55% so với cuối năm 2023 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 45.895 tài khoản, tăng 1,13% so với cuối năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được kể trên, vẫn còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg. Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, khắc phục một số những hạn chế, vướng mắc, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thay thế Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg.
Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg tiếp tục kế thừa những nội dung còn phù hợp tại Quyết định số 48/2015/QĐ-TTg; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBCKNN đảm bảo phù hợp với những thay đổi của Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đảm bảo đồng bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.
Thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc kiện toàn, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trên cơ sở đó tổ chức hợp lý các cục, vụ, đơn vị thuộc Tổng cục thuộc Bộ Tài chính đảm bảo đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp theo quy định pháp luật; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức, đơn vị.
Cơ cấu tổ chức của UBCKNN
Bộ Tài chính đề xuất cơ cấu tổ chức của UBCKNN như sau:
1. Vụ Pháp chế.
2. Vụ Phát triển thị trường chứng khoán.
3. Vụ Quản lý chào bán chứng khoán.
4. Vụ Giám sát công ty đại chúng.
5. Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán.
6. Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán.
7. Vụ Giám sát thị trường chứng khoán.
8. Vụ Hợp tác quốc tế.
9. Vụ Tổ chức cán bộ.
10. Vụ Tài vụ - Quản trị.
11. Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh).
12. Thanh tra chứng khoán.
13. Cục Công nghệ thông tin.
14. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán.
15. Tạp chí Chứng khoán.
Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 13 là tổ chức hành chính giúp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định tại khoản 14 và khoản 15 là đơn vị sự nghiệp.
Thanh tra chứng khoán có con dấu riêng và được sử dụng con dấu trong thanh tra, xử lý vi phạm hành chính về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Chủ tịch và không quá 4 Phó Chủ tịch
Bộ Tài chính cho biết, về số lượng Phó Chủ tịch UBCKNN, tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 48/2015/QĐ-TTg được quy định: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Chủ tịch và không quá 03 Phó Chủ tịch".
Trong thời gian qua, UBCKNN đã nghiêm túc thực hiện quy định trên về số lượng cấp Phó. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển và gia tăng về quy mô của thị trường như đã báo cáo nêu trên, các nhiệm vụ, công việc đặt ra đối với đội ngũ Lãnh đạo UBCKNN hết sức nặng nề và áp lực.
Trong gian đoạn tới, khi thực hiện các nhiệm vụ mới đặt ra tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành; nhiệm vụ tái cơ cấu TTCK đến năm 2025; nhiệm vụ phát triển thị trường đến năm 2030;... khối lượng, tính chất phức tạp của công việc đặt ra đối với đội ngũ Lãnh đạo của UBCKNN càng tăng thêm, đặc biệt là công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản, chính sách về chứng khoán và TTCK; phát triển sản phẩm mới; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường trong bối cảnh các gian lận trên thị trường ngày càng tăng với phương thức ngày càng tinh vi.
Vì vậy, cần thiết phải xem xét, bổ sung thêm 01 Phó Chủ tịch UBCKNN để đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể số lượng cấp phó của UBCKNN không quá 04 thay cho quy định 3 người như hiện nay.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.