Đê xuất tăng thêm quyền lợi cho lao động nữ để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện
Cán bộ công đoàn đề xuất tăng thêm quyền lợi đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được nêu trong dự thảo Luật BHXH, nhằm khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình bảo hiểm xã hội này.
TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), đề nghị nâng mức trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện.
TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, mức hưởng 2 triệu đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu trong dự thảo, là quá thấp, đề nghị nâng mức hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, theo TS Bùi Sỹ Lợi, với chế độ thai sản, ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ. “Hiện nay, chế độ BHXH tự nguyện chưa thực sự thu hút, bổ sung chế độ thai sản phù hợp cũng là điều kiện cần thiết để thu hút lao động trong độ tuổi tham gia”, TS Bùi Sỹ Lợi nói.
TS Bùi Sỹ Lợi đề xuất mức hưởng chế độ thai sản tối thiểu cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) là 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn nghèo nông thôn) trong 14 tuần (3,5 tháng) và cho rằng, mức này là phù hợp; đồng thời vẫn giữ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Còn theo đại diện Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hải Phòng, hiện nay, dự thảo Luật BHXH đã bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo mức là 2 triệu đồng cho 1 lần sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu. Tuy nhiên, đại diện LĐLĐ TP Hải Phòng đề nghị cần chia thành các mức như: Sinh con thường là 2 triệu đồng; sinh con phải phẫu thuật là 3 triệu đồng; trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc - đề nghị nâng mức hưởng từ 2 triệu đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu lên mức 3,6 triệu đồng để bằng mức hưởng của đối tượng đóng BHXH bắt buộc và điều chỉnh tăng lên theo lương cơ sở vào từng thời điểm.
“Thực tế, lao động nữ dưới 30 tuổi tham gia BHXH tự nguyện là rất ít; chỉ có lao động nữ trên 30 tuổi khi không tham gia BHXH bắt buộc ở khu vực chính thức, hoặc khi có điều kiện kinh tế dư dả thì họ mới tham gia BHXH tự nguyện. Những đối tượng trên 30 tuổi nghỉ thai sản là rất ít. Tôi mong muốn BHXH tự nguyện có thêm chế độ ốm đau để có đông người lao động được hưởng chế độ này”, bà Hà nêu quan điểm.
Đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng cho hay, mức trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện theo dự thảo là quá thấp, không đáp ứng được với các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con.
“Mức trợ cấp trên, cần được điều chỉnh tăng lên để đảm bảo thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước”, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất.
Theo đề xuất của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, mức trợ cấp hằng tháng tối thiểu phải bằng mức chuẩn hộ nghèo nông thôn; thời gian hưởng trợ cấp 4 tháng, bởi đây là thời gian hồi phục cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ sau khi sinh con trước khi quay trở lại làm việc).
Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đề xuất chi phí hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước đảm bảo và có sự chia sẻ quỹ bảo hiểm xã hội, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho tất cả các bà mẹ sinh con tại Việt Nam
Bên cạnh đó, Đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Theo tổ chức lao động quốc tế, mức hưởng chế độ khi sinh con được quy định trong Công ước số 183 (năm 2000) ít nhất bằng 2/3 mức lương hoặc thu nhập được bảo hiểm. Bổ sung cho quy định này, Khuyến nghị số 191 năm 2000 đã yêu các quốc gia nâng mức trợ cấp lên bằng mức lương của người lao động đã hưởng trước đó.
Hiện nay, nhiều quốc gia như: Singapore, Philippin, Malaysia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều quy định mức trợ cấp bằng 100% mức tiền lương của người lao động trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Vì thế, để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia, dự thảo cần quy định mức trả trợ cấp thai sản tính trên mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.