Đề xuất tăng thời hạn hợp đồng, tăng lương cơ bản cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng thời hạn hợp đồng, tăng mức lương cơ bản cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở các thị trường như châu Âu, châu Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc)...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21 quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Bộ đề xuất sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến chi phí, tiền lương của người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.

Cụ thể, với thị trường Châu Âu, theo quy định hiện hành, thời hạn hợp đồng lao động tối thiểu là 1 năm, lương cơ bản từ 500 USD/tháng trở lên. Trường hợp nước tiếp nhận quy định mức lương tối thiểu cao hơn 500 USD/tháng thì áp dụng theo quy định của nước tiếp nhận. Tiền làm thêm giờ cũng theo quy định của nước tiếp nhận.

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất sửa hợp đồng lao động dài hạn từ 1 năm trở lên, lương cơ bản từ 600 USD/tháng trở lên; trường hợp nước tiếp nhận quy định mức lương tối thiểu cao hơn 600 USD/tháng thì áp dụng theo quy định của nước tiếp nhận.

Đối với hợp đồng lao động ngắn hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm: Lương cơ bản từ 800 USD/tháng trở lên; trường hợp nước tiếp nhận quy định mức lương tối thiểu cao hơn 800 USD/tháng thì áp dụng theo quy định của nước tiếp nhận.

Bộ lý giải, việc đề xuất tăng tiền lương cơ bản từ 500 USD/tháng lên 600 USD/tháng để bù đắp chi phí người lao động chi trả một lượt vé máy bay. Hiện tại phần lớn mức lương cơ bản của các nước Châu Âu bằng hoặc cao hơn 600 USD/tháng, trừ Bulgari 398,8 EURO/tháng và Liên bang Nga 213,53 USD/tháng. Việc tăng tiền lương cơ bản cũng là để bù đắp chi phí người lao động chi trả một lượt vé máy bay.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định người sử dụng lao động cung cấp miễn phí chỗ ở và các thiết bị nhà bếp. Người lao động (có hợp đồng lao động dài hạn từ 1 năm trở lên) chịu chi phí chỗ ở và các thiết bị nhà bếp trong trường hợp mức lương cơ bản của họ từ 900 USD/tháng trở lên.

Người lao động (có hợp đồng lao động ngắn hạn từ 6 tháng đến dưới năm) chịu chi phí chỗ ở và các thiết bị nhà bếp trong trường hợp mức lương cơ bản từ 1.200 USD/tháng trở lên.

Theo quy định của các nước nước sở tại, tiền lương chủ sử dụng lao động trả cho người lao động đã bao gồm chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả tối thiểu một lượt vé máy bay (từ Việt Nam đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về Việt Nam khi người lao động hoàn thành hợp đồng). Thực tế hầu hết các chủ sử dụng Châu Âu chỉ chi trả 1 lượt vé cho người lao động.

Đối với thị trường Châu Đại Dương, dự thảo cũng đề xuất thời hạn hợp đồng từ 6 tháng trở lên. Bởi theo nghiên cứu thì hiện nay và trong thời gian tới chỉ có thị trường Úc và New Zealand có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài. Pháp luật hai nước này đều có quy định tiếp nhận lao động ngắn hạn và dài hạn từ 3 tháng đến 4 năm.

Về tiền lương, dự thảo bổ sung lương cơ bản của người lao động không thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định của nước tiếp nhận.

Hiện nay, tiền lương tối thiểu của Úc năm 2023 là 21,38 Đô la Úc/giờ hoặc 812,6 Đô la Úc/tuần; nếu người lao động làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần cho 22 ngày công thì mức lương theo tháng ở Úc là 3.762,9 Đô la Úc/tháng.

Tiền lương tối thiểu của New Zealand năm 2023 là 22,7 Đô la New/giờ hoặc 2.261,942 Đô la New/tháng. Mức lương tối thiểu nêu trên rất cao nên không cần quy định mức lương cơ bản của người lao động đi làm việc ở thị trường này.

Mức lương của người lao động đảm bảo chi trả tiền ở, tiền ăn và chi phí đi lại hàng ngày. Người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 50% lượt vé máy bay từ Việt Nam đến nơi làm việc. Hiện nay, Việt Nam và phía Úc đang trao đổi về Kế hoạch thực hiện MOU, trong đó có nội dung này.

Đối với thị trường Châu Mỹ, thời hạn hợp đồng cũng được đề xuất là từ 6 tháng trở lên.

Về tiền lương, dự thảo đề xuất đối với hợp đồng lao động dài hạn từ 1 năm trở lên: Lương cơ bản từ 500 USD/tháng trở lên; trường hợp nước tiếp nhận quy định mức lương tối thiểu cao hơn 500 USD/tháng thì áp dụng theo quy định của nước tiếp nhận.

Đối với hợp đồng lao động ngắn hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm: Lương cơ bản từ 800 USD/tháng trở lên; trường hợp nước tiếp nhận quy định mức lương tối thiểu cao hơn 800 USD/tháng thì áp dụng theo quy định của nước tiếp nhận.

Với loại hình công việc ngắn hạn, chủ sử dụng thường trả mức lương cao hơn thì mới tuyển được lao động. Mức lương này đảm bảo người lao động có tích lũy sau khi trừ các khoản chi phí xuất cảnh.

Theo quy định của hầu hết các nước nước sở tại, tiền lương chủ sử dụng lao động trả cho người lao động đã bao gồm chi phí sinh hoạt hàng ngày. Bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả tối thiểu một lượt vé máy bay (từ Việt Nam đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về Việt Nam khi người lao động hoàn thành hợp đồng).

Với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), dự thảo đề xuất sửa tiền lương cơ bản không thấp hơn 20.000 Đài tệ/tháng. Trường hợp thị trường điều chỉnh tăng tiền lương thì áp dụng theo mức tiền lương mới. Trước đó, tháng 5/2022, phía Đài Loan đã tăng mức lương cơ bản từ 17.000 Đài tệ/tháng lên mức 20.000 Đài tệ/tháng.

Đối với thị trường Trung Quốc và Ma Cao (Trung Quốc), người sử dụng lao động chi trả chi phí mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn lao động.
Đối với các nước khu vực Đông Nam Á, người lao động được tham gia các chế độ bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-tang-thoi-han-hop-dong-tang-luong-co-ban-cho-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai.htm