Đề xuất tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia

Bộ Tài chính đưa ra hai phương án tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Theo phương án này, đến 2030 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 – 100%, còn dưới 20 độ ở mức 60 – 70%.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống”.

Hiện nay, có 11 mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là thuốc lá điếu và xì-gà, rượu các loại, bia các loại, ôtô dưới 24 chỗ ngồi, xăng và chế phẩm tạo xăng, điều hòa nhiệt độ 90.000 BTU trở xuống, bài lá, vàng mã, hàng mã, xe gắn máy trên 125 cm3, tàu bay và du thuyền. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 đã từng được 4 lần sửa đổi bổ sung nhằm điều tiết tiêu dùng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, điều tiết thu nhập của xã hội và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Theo đó, phương án 1 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025; phương án 2 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.

Bộ Tài chính nghiêng về phương án này. Sau đó trong vòng 4 năm tiếp theo, trong cả hai phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất tăng 5%/năm liên tiếp khiến giá bán sẽ tăng 2 - 3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo. Đến năm 2030, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia và rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100% (cao hơn hiện hành 25 - 35%) rượu dưới 20 độ lên mức 60 - 70% (cao hơn hiện hành (25 - 35%).

Trước dự thảo này, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Chủ tịch Nguyễn Văn Việt cho biết, trước những đề xuất tăng thuế cao cũng như bổ sung mặt hàng mới vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Việt cho rằng, cần được xem xét cẩn trọng, đánh giá thật kỹ lưỡng toàn diện trong điều kiện ở Việt Nam, tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học... để có chính sách đảm bảo hài hòa các lợi ích nhất.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, đại diện Nhóm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR 2024), mức thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xác định hợp lý để vừa đủ sức điều tiết tiêu dùng nhưng cũng không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt cũng cần được xác định hợp lý để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.

Riêng đối với mặt hàng rượu bia, VEPR 2024 đề xuất, trong điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đại dịch covid-19 và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng, cần xác định mức thuế suất tạm thời để theo dõi mức độ đạt được kết quả phù hợp mục tiêu và các yếu tố liên quan.

Hải Long

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/de-xuat-tang-thue-suat-doi-voi-mat-hang-ruou-bia-443673.html