Đề xuất thành lập Tập đoàn Metro và TOD tại TP.HCM
Ngày 16/2, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thứ 4 của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.
Phiên họp ngoài nghe báo cáo kết quả 6 tháng triển khai hoạt động của Hội đồng, các thành viên Hội đồng tư vấn và Tổ chuyên gia tập trung vào góp ý Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (Metro) kết hợp mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng (TOD) làm định hướng tại TP.HCM.
Kết luận số 49-KL/TW của Bộ chính trị nêu rõ mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035. Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM hơn 220km với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ USD, nhưng đến nay TP.HCM mới làm gần 20km Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng với cách làm cũ để làm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên gần 20km mất đến gần 20 năm. Theo ông Sơn, cần có tư duy và cách làm mới thay vì chỉ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Cách làm mới phải đặt nhiệm vụ phát triển đường sắt đô thị cho một tổ hợp đa ngành.
"Chúng ta hơi chủ quan khi nghĩ làm nguyên đề án chung cho một hệ thống đường sắt đô thị cho nhanh. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, hoạt động đường sắt, phát triển dự án, bồi thường giải tỏa mặt bằng... liên đới với nhau", ông Ngô Viết Sơn nói.
Ông Sơn đề nghị Đề án xây dựng tổng thể các nhóm cơ chế về quy hoạch, phạm vi thu hồi đất; cơ chế phát triển các dự án thành phần; cơ chế định giá đất bồi thường; cơ chế nguồn vốn thực hiện dự án; cơ chế đào tạo nguồn nhân lực...
TS Vũ Minh Khương, thành viên Hội đồng tư vấn và tổ tư vấn đường sắt đô thị, cũng đồng tình phải có liên minh hành động, tập hợp đại diện các Bộ ngành, TP.HCM, Hà Nội, các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế.
TS Trần Đình Thiên cho rằng cách tiếp cận xây dựng một đề án tổng thể phát triển hệ thống đường sắt tại TP.HCM là đúng. Việc xây dựng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ dễ thuyết phục.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị trong đề án phải xin phân cấp, phân quyền triệt để cho TP.HCM thực hiện, quyết định tất cả các khâu từ quy hoạch, phê duyệt dự án, thu hồi đất đấu giá...
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định không chỉ đường sắt đô thị, các vấn đề khác của thành phố, UBND TP.HCM đều chỉ đạo tiếp cận đa ngành, tổng thể theo mục tiêu phát triển bền vững và lấy người dân làm trung tâm.
Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ thêm, tư duy đa ngành được thành phố tiếp cận ngay từ đầu. Trong đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị đóng vai trò thường trực, các sở, ngành liên quan phối hợp dưới sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP.HCM.
Đối với đề xuất thành lập Tập đoàn metro và TOD, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay sẽ nghiên cứu thêm vấn đề này. Việc Tập đoàn thành lập khi nào, giai đoạn nào, thành phố sẽ nghiên cứu.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/de-xuat-thanh-lap-tap-doan-metro-va-tod-tai-tp-hcm-417588.html