Đề xuất thành lập trung tâm thương mại quốc tế và phát triển nguyên, phụ liệu thời trang
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2024 diễn ra sáng 5/9, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 12/2023, Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), dệt may - da giày là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trên 10%/năm.
Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới và Tạp chí World Footwear, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu da giày lớn thứ hai và xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, ngành dệt may - da giày Việt Nam vẫn tập trung ở khâu gia công, tạo giá trị gia tăng thấp, đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên, phụ liệu nhóm ngành dệt may - da giày sơ bộ đạt 13,42 tỷ USD, tăng 14,11% so với cùng kỳ năm 2023.
Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu có thể gây ảnh hưởng lớn tới tình hình phát triển chung của toàn ngành thời gian tới, khi nhiều thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU hướng tới mục tiêu Net Zero với các quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao.
Hơn nữa, hiện nay để mặt hàng dệt may - da giày tận dụng lợi thế miễn giảm thuế nhập khẩu vào các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do, quy định về quy tắc xuất xứ đã đi vào thực thi. Điều này tác động lớn cho doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Do đó, việc phát triển nguồn nguyên, phụ liệu ngành dệt may - da giày là rất cần thiết.
Ông Tuấn Anh cho biết, vừa qua Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc xin ý kiến chủ trương xây dựng Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam (Trung tâm).
Việc xây dựng Trung tâm này phù hợp với định hướng phát triển nguồn cung nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Dự kiến, Trung tâm sẽ được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa, tập trung quy tụ các nhà cung ứng sản phẩm nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất dệt may, da giày trong nước và nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác truy xuất nguồn gốc xuất xứ; triển khai hoạt động kết nối, giao thương và triển lãm sản phẩm, công nghệ sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may - da giày; cập nhật xu hướng, công nghệ sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may - da giầy… nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.
Cục Công nghiệp đang xúc tiến các công việc để thành lập Trung tâm này và xin ý kiến của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tại hội nghị.
Thông tin tại hội nghị, đại diện các hiệp hội da giầy, dệt may đánh giá cao vai trò của Trung tâm và thống nhất cao với sự ra đời của Trung tâm.
Bà Phan Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho rằng, đây là trung tâm giao thương, giúp doanh nghiệp da giày có thể giới thiệu, kết nối sản phẩm mới, đồng thời kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp các nhà máy rút ngắn thời gian tìm kiếm nguyên, phụ liệu và thúc đẩy phát triển sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước.
Bà Xuân kiến nghị, cần có cơ chế thuận lợi, thủ tục thông thoáng, bảo đảm giao thông thuận tiện... để Trung tâm hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tối đa cho ngành phát triển.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đề xuất cần phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hóa và minh bạch, có như vậy mới giúp các doanh nghiệp trong ngành đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo và nâng cao tính năng động, hiệu quả, có cơ hội vươn lên tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng của ngành. Hiện có nhiều chợ nguyên phụ liệu đang hoạt động, tuy nhiên quy mô nhỏ lẻ và không hiệu quả. Về lâu dài, Việt Nam phải cần có trung tâm giao dịch và phát triển cung ứng nguyên, phụ liệu vì khi thị trường và ngành dệt may, da giày trong nước phát triển, sẽ cần có nơi để tập trung mẫu, phân phối nguyên, phụ liệu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, nhiều kinh nghiệm hay từ các nước được đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước chia sẻ nhằm góp thêm ý kiến với Bộ Công Thương xây dựng Đề án Trung tâm Giao dịch phát triển nguyên, phụ liệu ngành thời trang Việt Nam.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm, Cục Công nghiệp đã làm việc với hai hiệp hội và cho ý kiến về việc hoàn chỉnh chi tiết Đề án thành lập Trung tâm như việc thống nhất tên gọi, vị trí, quy mô, hình thức, nguồn vốn, đánh giá tác động… Dự kiến trong tháng 10, các hiệp hội sẽ triển khai đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm Trung Quốc và các quốc gia khác đã xây dựng thành công mô hình này để hoàn thiện đề án đảm bảo phù hợp với thực tế và vận hành hiệu quả trong tương lai.