Đề xuất thêm 37 đường ngang vào danh mục dự án sửa chữa, bổ sung tín hiệu
Đường sắt đề xuất thêm 37 đường ngang tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất ATGT đường sắt vào danh mục dự án sửa chữa, bổ sung tín hiệu...
Tổng công ty Đường sắt VN vừa kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thêm danh sách đường ngang và bố trí vốn để hoàn thành toàn bộ dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ tín hiệu đối với 566 đường ngang có người gác.
Theo báo cáo, trong hai năm 2022 và 2023, Tổng công ty Đường sắt đã thực hiện, hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung tín hiệu tại 382/566 đường ngang với kinh phí 600 tỷ đồng từ nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt, còn 184 đường ngang chưa thực hiện.
Để đảm bảo mục tiêu sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu đối với các đường ngang trên đường sắt quốc gia, vừa qua, Tổng công ty đã tiến hành rà soát 184 đường ngang chưa thực hiện này.
Kết quả, có 8 đường ngang trùng với các dự án đã và đang được thực hiện đầu tư sửa chữa bằng các nguồn vốn khác (vốn của địa phương, nguồn trung hạn).
Có 29 đường ngang nằm trên tuyến đường sắt Kép - Hạ Long và các tuyến nhánh: Phủ Lý - Thịnh Châu, Mai Pha - Na Dương, Cầu Yên - Phân Lân, Chí Linh - Phả Lại, nhánh Bỉm Sơn, đường trong ga Hà Nội là các tuyến hiện chạy tàu ít, tốc độ thấp trước mắt chưa đầu tư sửa chữa để tránh gây lãng phí.
"Như vậy, sau rà soát, danh mục dự án còn 147 đường ngang cần triển khai thực hiện thời gian tới", Tổng công ty Đường sắt thông tin.
Cũng theo đơn vị này, hiện trạng của nhiều đường ngang trên toàn mạng lưới đến nay đã thay đổ như: hệ thống thiết bị tín hiệu xuống cấp, lạc hậu, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng liên tục, tốc độ chạy tàu thay đổi nâng lên.
Mặt khác, tình hình trật tự ATGT tại những đường nhánh, đường dân sinh nằm trong hành lang an toàn đường sắt tại vị trí tiếp cận với đường ngang diễn biến rất phức tạp...
Trước thực trạng trên, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất bổ sung thêm 37 đường ngang vào danh mục dự án.
"Các đường ngang này tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất ATGT đường sắt, cần phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định như: tín hiệu báo tàu tới gần, tín hiệu móc nối nhà ga, tín hiệu ngăn đường và hệ thống tín hiệu phòng vệ đường bộ, nhánh đường gom", Tổng công ty Đường sắt đánh giá, đồng thời cho biết, việc bổ sung 37 đường ngang này đưa tổng số các đường ngang còn lại của dự án cần thực hiện thời gian tới là 184 đường.
Theo tính toán, kinh phí thực hiện đối với 184 đường ngang trên là gần 362 tỷ đồng.
Tìm hiểu của PV, vừa qua Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chi hoạt động kinh tế Ngân sách Trung ương năm 2024 để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 184 đường ngang và thanh quyết toán các công trình đã hoàn thành từ năm 2023 trở về trước.
Năm 2025, Bộ GTVT đề xuất đề xuất bố trí bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt 350 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành toàn bộ 566 đường ngang.