Đề xuất thêm chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện

Hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, không được hưởng các chính sách như đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung thêm chế độ thai sản cho BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn là mức hỗ trợ còn thấp.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến năm 2023, lao động phi chính thức ở Việt Nam không có bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn chiếm tới 98%. Đáng chú ý, trong tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện.

Người lao động sinh con có thể được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng

Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều người lao động phi chính thức thiệt thòi trong việc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng chế độ thai sản cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng chế độ thai sản cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Đại diện BHXH TP.Hà Nội cho rằng, hiện nay, chế độ BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn vì đang phải chạy theo chính sách BHXH bắt buộc. Do vậy, cần phải xây dựng chính sách BHXH tự nguyện tốt hơn, giống như của các đối tượng có kinh doanh nhưng thay thế bằng cách đặt ra lợi ích sát sườn.

Cụ thể, về chế độ BHYT, hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện không được cấp thẻ BHYT, muốn có thẻ BHYT thì phải tham gia BHYT hộ gia đình; người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu. Đây cũng được xem là yếu tố khiến hạn chế người tham gia BHXH tự nguyện.

Do vậy, đại diện BHXH TP.Hà Nội đề xuất, cơ quan BHXH nên xây dựng Luật BHXH sửa đổi theo hướng người tham gia BHXH tự nguyện trên 5 năm sẽ được cấp BHYT mức hưởng 80% kinh phí chữa trị. Đến khi người đóng BHXH tự nguyện tham gia đủ điều kiện 15 hoặc 20 năm hưởng lương hưu thì thẻ BHYT sẽ được cấp với mức hưởng 95%. Đồng thời, cần bổ sung thêm chế độ thai sản trong chính sách BHXH.

Thu nhập không ổn định, chính sách thiếu hấp dẫn, hay thậm chí chưa tính toán được mức hưởng cụ thể trong tương lai là những rào cản khiến nhiều lao động chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện... Vì vậy, những thách thức này cần được giải quyết bằng cách quy định trong Luật BHXH sửa đổi.

Cụ thể, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất: người lao động tham gia BHXH tự nguyện (gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con.

Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

2 triệu là mức hỗ trợ thấp?

Tuy nhiên, chế độ thai sản 2 triệu đồng được nhiều người lao động nhìn nhận chưa hấp dẫn. Là lao động tự do, chuyên bán hàng online, chị Trà My (Hải Phòng) cho biết, chị đã được nhân viên tổ chức dịch vụ thu giới thiệu về chính sách BHXH tự nguyện. “Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/lần sinh cho người tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng theo tôi, so với chế độ thai sản của người tham gia BHXH bắt buộc thì mức trợ cấp này chưa hấp dẫn”.

Theo đại BHXH TP.Hà Nội, Luật nên quy định theo tỷ lệ đóng hưởng, vì có những người đóng mức cao hơn thì được hưởng cao hơn, không nên cào bằng mức hưởng như nhau.

“Chế độ thai sản nên tính tỷ lệ phần trăm mức hưởng theo mức đóng. Ví dụ lương tham gia mức 2 triệu thì phải tính bình quân cả quá trình tham gia chứ không nên tính tại thời điểm tham gia, như vậy mới đảm bảo công bằng, thu hút được người tham gia BHXH tự nguyện”, đại diện BHXH TP.Hà Nội phân tích.

Còn theo đại diện Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, hiện nay, dự thảo Luật BHXH đã bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện theo mức là 2 triệu đồng cho 1 lần sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu. Tuy nhiên, cần chia thành các mức như: Sinh con thường là 2 triệu đồng; sinh con phải phẫu thuật là 3 triệu đồng; trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng.

Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị nâng mức hưởng từ 2 triệu đồng cho một con khi sinh, bao gồm cả trường hợp con bị chết hoặc chết lưu lên mức 3,6 triệu đồng để bằng mức hưởng của đối tượng đóng BHXH bắt buộc và điều chỉnh tăng lên theo lương cơ sở vào từng thời điểm.

“Thực tế, lao động nữ dưới 30 tuổi tham gia BHXH tự nguyện là rất ít; chỉ có lao động nữ trên 30 tuổi khi không tham gia BHXH bắt buộc ở khu vực chính thức, hoặc khi có điều kiện kinh tế dư dả thì họ mới tham gia BHXH tự nguyện. Những đối tượng trên 30 tuổi nghỉ thai sản là rất ít. Tôi mong muốn BHXH tự nguyện có thêm chế độ ốm đau để có đông người lao động được hưởng chế độ này”, bà Hà nêu quan điểm.

Cần thêm nhiều chế độ

Đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng cho hay, mức trợ cấp thai sản đối với lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện theo dự thảo là quá thấp, không đáp ứng được với các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con.

Chính sách BHXH tự nguyện cần thêm nhiều chế độ hấp dẫn.

Chính sách BHXH tự nguyện cần thêm nhiều chế độ hấp dẫn.

“Mức trợ cấp trên cần được điều chỉnh tăng lên để đảm bảo thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình BHXH tự nguyện của Nhà nước”, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất.

Bên cạnh đó, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng: Theo Tổ chức Lao động quốc tế, mức hưởng chế độ khi sinh con được quy định trong Công ước số 183 (năm 2000) ít nhất bằng 2/3 mức lương hoặc thu nhập được bảo hiểm. Bổ sung cho quy định này, Khuyến nghị số 191 năm 2000 đã yêu các quốc gia nâng mức trợ cấp lên bằng mức lương của người lao động đã hưởng trước đó.

Hiện nay, nhiều quốc gia như: Singapore, Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Hà Lan… đều quy định mức trợ cấp bằng 100% mức tiền lương của người lao động trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Vì thế, để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động và phù hợp với xu hướng chung của nhiều quốc gia, dự thảo cần quy định mức trả trợ cấp thai sản tính trên mức tiền lương tháng đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Theo GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khoảng cách về mặt chính sách giữa lao động chính thức và phi chính thức cũng cần được xóa bỏ dần. Bởi thực tế, lao động chính thức đang được bảo vệ chắc chắn bởi các chế độ ngắn hạn và dài hạn, thì vẫn tiếp tục được đảm bảo, còn lao động phi chính thức vốn “rất mong manh” về thu nhập và các vấn đề khác, thì lại chỉ được thụ hưởng chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất.

Các chế độ ngắn hạn sát sườn như thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa được đề cập trong Luật.

“Tôi cho rằng, cần đưa dần các chính sách này trong quá trình cải cách Luật, từ đó tạo sức hấp dẫn với lao động phi chính thức. Tất nhiên còn liên quan đến các vấn đề khác về mức đóng - hưởng; thông tin cũng cần công khai để người thụ hưởng biết được mức hưởng đến thời điểm tham gia”, ông Long gợi mở.

Thùy Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/de-xuat-them-che-do-cho-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-1100384.html