Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường: Đơn vị nào vào 'tầm ngắm'?
Bộ Tài chính vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) với khí thải.
Thu phí để giảm ô nhiễm
Theo Bộ Tài chính, ở nước ta, chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn, một số khu công nghiệp, làng nghề đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe dọa tới môi trường.
Hiện, ô nhiễm môi trường không khí, nhất là tại các đô thị lớn đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có thời điểm chất lượng ô nhiễm môi trường không khí ở mức báo động.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động xả khí thải của các cơ sở xả thải và phương tiện giao thông vận tải.
Trong khi đó, phần lớn tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm môi trường không khí chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong BVMT không khí.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí BVMT đối với khí thải là cần thiết.
“
Bộ Tài chính thống kê, đến nay, cả nước có khoảng 5,1 triệu xe ô tô và số lượng lớn xe máy đang lưu hành và có hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực… hàng ngày xả thải khối lượng lớn khí thải công nghiệp.
Bên cạnh đó, có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 138 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (theo Quyết định số 1788) chưa hoàn thành xử lý triệt để;
Khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng, hoạt động xây dựng nhà ở, khu chung cư, khu đô thị mới, cầu đường, khai thác và vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải diễn ra khắp nơi trong cả nước.
Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.
Dẫn quy định tại Điều 88 Luật BVMT, Bộ Tài chính cho biết có 2 nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí phải được quản lý và kiểm soát bụi, khí thải.
Đó là, phương tiện giao thông, máy, thiết bị, công trình xây dựng có phát tán bụi, khí thải.
Hiện, pháp luật chuyên ngành chưa có quy định để xác định tổng khối lượng xả thải và hàm lượng từng chất gây ô nhiễm môi trường trong khí thải đối với nguồn thải này.
Vì vậy, nếu quy định thu phí đối với nguồn thải này thì chưa có cơ sở để xác định tổng khối lượng khí thải và số phí phải nộp.
Nguồn phát thải thứ hai là cơ sở xả khí thải. Pháp luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ hơn về quản lý khí thải đối với nguồn thải này, thông qua quy định cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (quản lý đầu vào đối với hoạt động xả thải) và quy định về quan trắc môi trường khí thải (quản lý đầu ra đối với hoạt động xả thải).
Bộ Tài chính đánh giá, phí BVMT là chính sách mới, do đó, để có cơ sở thuyết phục khi xác định, tính toán số phí phải nộp, thì nguồn thải nộp phí phải là các nguồn thải mà pháp luật chuyên ngành đã có quy định, có thể xác định được khối lượng chất gây ô nhiễm môi trường có trong khí thải, làm cơ sở xác định số phí phải nộp đối với nguồn xả thải.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm tính khả thi, Bộ Tài chính trình Chính phủ trước mắt chỉ quy định người nộp phí là các cơ sở xả khí thải quy định theo Nghị định 08.
Đó là, cơ sở sản xuất gang thép, luyện kim; hóa chất vô cơ cơ bản, phân bón vô cơ và hợp chất ni tơ; lọc hóa dầu; tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sản xuất than cốc, khí than; nhiệt điện; xi măng…
Mức thu bao nhiêu?
Để bảo đảm thống nhất, tạo thuận lợi cho việc thu, nộp phí; hạn chế làm tăng chi phí trong thu, nộp phí, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định cơ quan thu phí BVMT đối với khí thải tương tự như cơ quan thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đã quy định tại Nghị định số 53.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) các tỉnh, Phòng TN&MT thu phí BVMT đối với khí thải của các cơ sở xả khí thải trên địa bàn quản lý.
Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ quy định xây dựng mức phí gồm hai phần.
Phần phí cố định: Thu với mọi cơ sở xả khí thải (ngoại trừ bốn chất: Bụi tổng, NOx, SOx, CO) với ngưỡng 3 triệu đồng mỗi năm (có thể nộp theo quý).
Còn phí biến đổi: Quy định thu với bốn chất gây ô nhiễm môi trường là bụi tổng, NOx, SOx, CO, với gưỡng thu từ 500-800 đồng/tấn.
“Dự kiến, khi thực hiện chính sách này sẽ làm tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí”, Bộ Tài chính thông tin.