Đề xuất thúc đẩy nguồn cung cho thị trường giao dịch đất nông nghiệp
Tại Diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Oxfam tổ chức tại Hà Nội sáng 19-11, nhiều nội dung sửa đổi Luật Đất đai 2013 lại tiếp tục được các nhà nghiên cứu đề xuất mạnh mẽ.
Qua nghiên cứu trường hợp điển hình tại xã Liên Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), ThS Đặng Thị Bích Thảo (VEPR) cho biết, ở xã Liên Giang, rất nhiểu “khẩu” có suất đất ruộng nhưng hiện không còn ở xã (vào miền Nam làm ăn, lên thành phố…). Đất của những người này thường được cho các hộ khác ở xã mượn (không mất tiền) để canh tác. Việc cho mượn đất (không lấy tiền) là rất phổ biến tại xã Liên Giang. Thậm chí một số chủ đất còn nộp hộ tiền “thóc nước” (chi phí thủy nông, dịch vụ khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật) cho người mượn đất. Tâm lý của người dân là sợ bỏ hoang đất sẽ bị thu hồi, do đó họ “nhờ” người khác canh tác và giữ hộ ruộng cho mình. Năm 2019, trong khi diện tích đất thuê, mượn chiếm 31%; diện tích đất không thuê, mượn ở xã này chiếm 69%.
Phần lớn lao động trồng lúa ở xã Liên Giang hiện nay đều ở độ tuổi 50-65. Trong vòng 10-20 năm nữa khi thế hệ này già đi, không thể tiếp tục canh tác, trong khi con cái họ không mặn mà với ruộng đất. Do đó, trong thời gian tới cần có các chính sách để những người già, không có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp có thể cho thuê hoặc bán ruộng. Tâm lý của phần lớn người dân đều cho rằng ruộng đất là của nhà nước, người dân không có quyền mua, bán; do đó, cần có chính sách trao quyền cho người dân, thông qua việc cấp sổ đỏ để họ có thể đưa ruộng đất thành hàng hóa đúng nghĩa trên thị trường. Một số hộ gia đình có mong muốn tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất lớn, tuy nhiên, họ gặp khó khăn khi không thể cùng lúc thỏa thuận với nhiều hộ gia đình nhỏ lẻ.
“Cần tạo ra các sàn giao dịch đất ruộng, các công ty thuê, mua đất ruộng rồi cho thuê, bán lại, các công ty tư vấn để hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những thửa ruộng canh tác lúa kém hiệu quả (do chuột bọ hoặc máy móc không thể tiếp cận), đi đôi với đó là việc đo đạc đất đai, cấp sổ đỏ và giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”, nghiên cứu viên Đặng Thị Bích Thảo khuyến nghị.
Chia sẻ nhiều nhận định của bà Đặng Thị Bích Thảo, ThS. Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi đề nghị đánh giá lại một cách thấu đáo về vai trò của đất đai, nông nghiệp trong giai đoạn mới, nhằm xác định rõ quan điểm sử dụng đất nông nghiệp, từ đó có định hướng nhất quán giữa chính sách với các quy định pháp lý liên quan đến đất nông nghiệp.
Theo chuyên gia này, với quy mô đất đai của Việt Nam cực kỳ manh mún, việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường hiệu quả sử dụng đất là cần thiết.
Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của nhóm người nông dân nhỏ, đặc biệt là các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước nên thúc đẩy các phương thức tập trung đất nông nghiệp và các phương thức tích tụ đất nông nghiệp ở quy mô nông hộ để đạt đến ngưỡng sản xuất hiệu quả theo từng loại sản phẩm. Các giao dịch chuyển nhượng trên quy mô lớn cần được quản lý chặt chẽ, thực hiện trên cơ chế thị trường, có sự thỏa thuận và đồng thuận của các bên, Nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý và tư vấn để đảm bảo quyền và lợi ích của nhóm nông dân nhỏ và các nhóm yếu thế.
Để thúc đẩy nguồn cung cho thị trường giao dịch đất nông nghiệp, ông Trương Quốc Cần nhấn mạnh các giải pháp, đầu tư để đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm yếu thế, tạo việc làm nông thôn và xúc tiến thương mại/chế biến nông sản “cần phải được chuẩn bị trước một bước”, bên cạnh việc phát triển bảo hiểm xã hội cho cả những nông dân rời bỏ nông nghiệp tham gia vào lĩnh vực phi nông nghiệp tại nông thôn và đô thị.
Gỡ bỏ các rào cản cứng nhằm hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất là một khuyến nghị chính sách quan trọng khác; theo đó cần quy định rõ cơ chế báo cáo, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu từ kết quả giám sát của công dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát của công dân, trong hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý sử dụng đất đai.
Trong số các kiến nghị cụ thể, ThS Cần đề xuất xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai (LĐĐ) 2013, ThS Cần cho rằng, cần sửa đổi điều 62 LĐĐ 2013, hạn chế các trường hợp thu hồi đất và cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bỏ Khoản d điều 62 LĐĐ 2013. Rà soát lại và điều chỉnh quy định về các trường hợp không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tại các điều 76 đến 78 LĐĐ 2013 nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tượng đi thuê lại, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất…