Đề xuất thuế các-bon nhằm giảm nhẹ tác động của CBAM đối với hàng hóa của Việt Nam

Ngày 30/8 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tham vấn Đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động của CBAM của EU cho đối với hàng hóa của Việt Nam.

Đây là hội thảo tham vấn lần 2 được tổ chức sau hội thảo lần 1 tham vấn kết quả đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) và đề xuất chính sách thuế carbon (các-bon) cho hàng hóa của Việt Nam được tổ chức vào ngày 14/4/2023 tại Hà Nội.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và đề xuất chính sách thuế các-bon cho Việt Nam do Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo tham vấn

Toàn cảnh hội thảo tham vấn

Trước đó, ngày 8/2/2023, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã công bố những cập nhật mới nhất về kế hoạch triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU).

Theo đó, CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm kể từ ngày 01/10/2023. Sau giai đoạn chuyển tiếp cơ chế CBAM sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2026 và vận hành hoàn toàn vào năm 2034.

Trong khoảng thời gian này, CBAM sẽ dần được áp dụng song song với việc loại bỏ dần các hạn ngạch miễn phí trong Hệ thống giao dịch phát thải của EU (EU-ETS). Do đó, CBAM sẽ chỉ áp dụng đối với tỷ lệ phát thải không được hưởng lợi từ hạn ngạch miễn phí của ETS trong giai đọa 2026-2034.

Phát biểu tại hội thảo bà Mai Kim Liên- Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Bà Mai Kim Liên Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Bà Mai Kim Liên Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ngoài áp dụng công nghệ tiên tiến, ít nhất thải, nhiều quốc gia áp dụng công cụ định giá các-bon. Công cụ định giá các-bon được áp dụng là thuế các-bon, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải nhà kính, cơ chế tín chỉ các-bon (hay cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon).

Việt Nam đã xác định áp dụng các công cụ định giá các-bon, cụ thể hệ thống thương mại phát thải (hay thị trường các-bon nội địa) nhằm hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Bên canh đó, việc tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tác động của các chính sách liên quan của quốc tế có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như cơ chế CBAM, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phù hợp. Song song với lô trình thiết lập và vận hành thị trường các-bon nội địa, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các Bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất quy định và lô trình áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam.

Ông Jonh Robert Cotton – Quản lý chương trình cấp cao, Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP) cho biết: Tại hội thảo, các chuyên gia của dự án sẽ trình bày các kết quả nghiên cứu về khung pháp lý trong nước liên quan đến thuế, phí bảo vệ môi trường những kinh nghiệm quốc tế về thuế các-bon (carbon) và đề xuất lộ trình phù hợp cho việc áp dụng thuế các-bon tại Việt Nam nhằm giảm nhẹ tác động của CBAM đến hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia đã đề xuất thuế các – bon được tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường hoặc phí bảo vệ môi trường cho khí thải theo Dự thảo Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp tham gia hội thảo

Các chuyên gia và đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp tham gia hội thảo

Trước đó, tại hội thảo tham vấn lần 1 diễn ra vào ngày 14/4/2023 tại Hà Nội, theo đề xuất của EU, cách tính phát thải dựa trên phát thải thực tế. Theo đó, doanh nghiệp phải tự đo đếm được mức phát thải, nếu không xác định được mức phát thải đầy đủ hoặc trong trường hợp phát thải gián tiếp, giá trị mặc định sẽ được sử dụng để xác định phát thải của hàng hóa.

Các doanh nghiệp của Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu sang EU mà trước mắt là các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón cần làm đó là xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Theo cập nhật mới nhất, vào ngày 17/8/2023, Ủy ban châu Âu đã thông qua Quy định thực hiện CBAM, đưa ra các quy định cụ thể cho giai đoạn chuyển tiếp, bao gồm các phương pháp tính toán phát thải tích hợp trong quá trình sản xuất của các hàng hóa thuộc phạm vi CBAM. Ngoài ra Ủy ban châu Âu cũng đã ban hành các tài liệu hướng dẫn và công cụ IT cho các nhà nhập khẩu trong EU và các doanh nghiệp ngoài EU.

Hoạt động của CBAM trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ được nghiên cứu, rà soát trước khi hệ thống chính thức có hiệu lực vào năm 2026. Ủy ban châu Âu sẽ đánh giá xem có nên mở rộng phạm vi CBAM sang các hàng hóa khác được xác định trong quá trình đàm phán hay không, bao gồm một số sản phẩm cuối nguồn và các lĩnh vực khác như hóa chất hữu cơ và polyme như đề xuất trước đây của Nghị viện.

Ủy ban châu Âu có kế hoạch tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng CBAM vào cuối năm 2027. Quá trình này gồm đánh giá tiến độ đạt được từ các đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, cũng như tác động đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển nhất (LDC).

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-thue-cac-bon-nham-giam-nhe-tac-dong-cua-cbam-doi-voi-hang-hoa-cua-viet-nam-269524.html