Đề xuất tiêu chuẩn mới về đăng kiểm viên đường sắt

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT ngày 19/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm viên đường sắt và yêu cầu đối với cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức đăng kiểm đường sắt.

Theo Thông tư số 19/2018/TT-BGTVT, tiêu chuẩn của Đăng kiểm viên đường sắt gồm: Tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành đầu máy, toa xe, tàu điện metro, kỹ thuật hệ thống đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt; có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá Đăng kiểm viên đường sắt trước khi công nhận Đăng kiểm viên đường sắt; có thời gian tập huấn, thực tập nghiệp vụ Đăng kiểm viên đường sắt đủ 1 năm trở lên.

Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tiêu chuẩn của đăng kiểm viên đường sắt như sau:

1- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm;

2- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm;

3- Đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá đăng kiểm viên đường sắt trước khi công nhận đăng kiểm viên đường sắt;

4- Có thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt từ 12 tháng trở lên. Trường hợp có thời gian làm việc trực tiếp cộng dồn tối thiểu 36 tháng tại vị trí phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm thì thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên đường sắt từ 06 tháng trở lên.

Đối với đăng kiểm viên đường sắt bậc cao, theo dự thảo, tiêu chuẩn của đăng kiểm viên đường sắt bậc cao là: Có tổng thời gian giữ hạng đăng kiểm viên đường sắt đủ 05 năm trở lên; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí việc làm; đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá đăng kiểm viên đường sắt bậc cao trước khi công nhận đăng kiểm viên đường sắt bậc cao.

Nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường sắt

Dự thảo đề xuất nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường sắt:

a) Tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tham mưu xây dựng, bổ sung, sửa đổi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ;

b) Tham gia thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận đối với các nội dung liên quan đến phương tiện, không bao gồm hệ thống tín hiệu lắp đặt trên phương tiện;

c) Kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với linh kiện, tổng thành, thiết bị, phương tiện giao thông đường sắt;

d) Lập hồ sơ đăng kiểm cho các đối tượng nêu tại điểm b, điểm c nêu trên;

đ) Tính các loại giá và lệ phí đăng kiểm;

e) Hướng dẫn thực tập cho học viên đã hoàn thành lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt;

f) Tham gia tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đăng kiểm viên đường sắt;

g) Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về những vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ khi có yêu cầu.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/de-xuat-tieu-chuan-moi-ve-dang-kiem-vien-duong-sat-119240115141132544.htm