Đề xuất tổ chức lễ hội sông Trăng ở Sóc Trăng
Các chuyên gia cho rằng thành phố Sóc Trăng có sông Maspéro - địa điểm tổ chức hội đua ghe ngo hàng năm, nên rất thích hợp cho việc phát triển văn hóa lễ hội sông nước.
Sáng 29/5, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp phát triển sản phẩm văn hóa lễ hội sông nước Sóc Trăng giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn 2035”. Hội thảo góp phần tích cực cho đề tài “Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội sông nước mang bản sắc của tỉnh Sóc Trăng” do tiến sĩ Lê Cao Thanh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Trường Đại học Công thương TP.HCM, làm chủ nhiệm đề tài.
Du khách tiêu tiền chưa nhiều
Đánh giá về tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiến sĩ Trịnh Công Lý, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã đặt vấn đề về phát triển sản phẩm này trên sông Maspéro của TP Sóc Trăng. Theo tiến sĩ Trịnh Công Lý, du lịch văn hóa lễ hội là loại hình du lịch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều nội dung, hình thức, sắc màu phong phú như ở Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan… Tại Việt Nam, lễ hội văn hóa truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch phát triển mạnh của nhiều địa phương và ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.
Vị chuyên gia cho rằng mỗi tỉnh có vài chục đến vài trăm lễ hội. Tuy nhiên, ngoài du lịch biển (thế mạnh của khá nhiều tỉnh) thì sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội trên sông nước không phải địa phương nào cũng có và hấp dẫn du khách, do tùy thuộc vào địa hình, dòng chảy của nước, quang cảnh, tính chất lễ hội, thị hiếu của du khách.
Tại ĐBSCL, nơi có vị trí địa lý và hệ thống kinh rạch chằng chịt là môi trường sông nước thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội gắn liền với sông nước. Tuy nhiên, toàn vùng có hơn 1.230 lễ hội nhưng rất ít lễ hội gắn với sông nước, trừ một vài tỉnh có lễ hội gắn với sông nước nhưng chưa nhiều. Mặt khác, loại hình du lịch văn hóa lễ hội gắn với sông nước chưa được phát huy đúng mức.
“Hơn mười năm trước loại hình du lịch chợ nổi thu hút đông du khách quốc tế và trong nước, sôi nổi nhất ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ. Tuy nhiên, tất cả còn thuần túy ở giới thiệu các sản phẩm trái cây, các loại bánh miệt vườn, cù lao cùng một số loại hình ẩm thực, văn nghệ, thể thao truyền thống. Đến nay, do nhiều nguyên nhân mà chợ nổi gần như kết thúc vai trò thu hút hấp dẫn du khách”, tiến sĩ Trịnh Công Lý chia sẻ.
Tại TP Sóc Trăng, với lợi thế của con sông Maspéro - địa diểm tổ chức hội đua ghe ngo trong chuỗi hoạt động của lễ Ook Om Bok, tiến sĩ Trịnh Công Lý cho rằng rất thích hợp để phát triển lễ hội sông nước. Theo ông, lễ hội trên sông Maspéro sẽ có thể thành hiện thức khi địa phương tạo cảnh quan mới lạ, gần gũi 2 bên bờ sông, có các trạm dừng, điểm tham quan khác với tỉnh bạn.
“Chúng ta có thể liên kết các điểm tham quan trên bờ, gần sông là di tích cấp quốc gia hay cấp tỉnh để kéo dài thêm thời gian, tạo điều kiện cho du khách khám phá, trải nghiệm và tiêu tiền. Địa phương có thể cho du khách trải nghiệm sông nước như có khu vực tập bơi xuồng, chèo xuồng trên sông Maspéro. Đóng ghe tàu du lịch theo đặc điểm kiến trúc của dân tộc Khmer, tàu có sức chứa khoảng 20-30 người, có thể làm nơi phục vụ khách ăn trưa, chiều, tối trên tàu”, ông Trịnh Công Lý đề xuất.
Ông Trịnh Công Lý còn nhấn mạnh thêm về yếu tố môi trường, vì đây là một trong những tiêu chí quyết định cho hoạt động du lịch, nhất là du lịch trên sông. Đó là cần có giải pháp xử lý các nước thải từ các cống thoát nước ra 2 bên bông, bộ phận thu gom rác thải trên sông và từ các hoạt động phục vụ du khách trên tàu, thuyền. Bên cạnh là yếu tố con người là cần có kế hoạch đào tạo trước mắt và lâu dài cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong chuỗi dịch vụ phục vụ đường sông, vừa có ngoại hình vừa chuyên môn tốt. Người dân địa phương cũng đóng vai trò quan trọng, là sứ giả, cầu nối gián tiếp của hoạt động du lịch với du khách.
“Nội dung quan trọng nhất trong đề xuất của tôi là thị trường khách du lịch đến Sóc Trăng. Sẽ có những đoàn khách nước nào ở các Châu lục đến Sóc Trăng tham quan, trải nghiệm. Vì vậy, công ty du lịch nào sẽ đưa khách đến theo tour? Thống kê cho thấy khách du lịch đến Sóc Trăng có tăng sau khi dịch Covid-19 kết thúc, đạt từ 2,4 - 2,9 triệu lượt người, doanh thu trên 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền chi tiêu của du khách đến Sóc Trăng thấp. Điều này cho thấy, các dịch vụ của Sóc Trăng còn hạn chế, thiếu tính đa dạng, khách không có điều kiện tiêu tiền. Vì vậy, cần phải tính toán và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của dự án, các dịch vụ phải mới, mang bản sắc văn hóa riêng của Sóc Trăng và phải có chất lượng cao”, vị chuyên gia tham gia hội thảo đã chia sẻ.
Cần có Lễ hội Sông Trăng
Theo tiến sĩ Lê Cao Thanh, sông Maspéro còn được gọi là Sông Trăng nên địa phương cần phải xây dựng sản phẩm du lịch với tên gọi Lễ hội Sông Trăng. Mục đích của lễ hội này là truyền thông, quảng bá hình ảnh con người và tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch của tỉnh. Lễ hội Sông Trăng cũng tạo sân chơi cho cộng đồng các dân tộc sinh sông trên địa bàn tỉnh, khơi dậy niềm tự hào Sóc Trăng, tăng thêm tình đoàn kết giữa các cộng đồng, bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống và đặc biệt là kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Vị Viện Trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Trường Đại học Công thương TP.HCM thấy rằng Lễ hội Sông Trăng nên được tổ chức vào đêm Tết Nguyên Tiêu. Đây là rằm đầu tiên trong năm, là ngày có nhiều hoạt động văn hóa và tâm linh theo truyền thống của người Việt Nam, nên có thể thu hút được đông đảo khách du lịch. Theo ông Lê Cao Thanh, từ nay đến năm 2030 cần có 5 Lễ hội Sông Trăng với nhiều chủ đề khác nhau. Lễ hội đầu tiên có chủ đề “Dòng chảy đến vô cùng” sẽ giới thiệu truyền thống xây dựng quê hương Sóc Trăng với lịch sử lâu dài gắn bó với các dòng sông, trong đó có sông Maspéro. Đây là sự khởi đầu cần thiết cho chuỗi lễ hội sẽ còn liên tục tổ chức hàng năm.
“Trong lễ hội lần một, chúng tôi chọn 3 tiểu đề thể hiện, gồm: Dòng sông ánh sáng, Dòng sông nghĩa tình và Dòng sông bất tận. Ý nghĩa của ánh sáng trong tiểu đề một là thiêng liêng, soi rọi đất trời. Ánh sáng là khởi nguồn của sự sống, xua tan u tối, mở ra một cuộc sống mới trên ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng. Tiểu đề 2 nói lên nguồn sự sống ở mảnh đất Sóc Trăng, nuôi dưỡng mảnh đất và con người Sóc Trăng với những sản vật thiên nhiên, những cánh đồng tươi tốt. Tiểu đề 3 có ý nghĩa là dòng sông chảy từ hồng hoang, chảy ngàn đời và mãi mãi, tạo nên mảnh đất Sóc Trăng tươi đẹp. Dòng sông trường tồn nuôi dưỡng mãi sự sinh sôi, phát triển, đổi thay ngày càng tươi đẹp...”, tiến sĩ Lê Cao Thanh giải thích.
Theo tiến sĩ Lê Cao Thanh, Lễ hội Sông Trăng lần thứ 2 có chủ đề Dòng sông nhiệm màu, lần 3 là Xôn xao bến nước. Hai lần lễ hội còn lại được ông đưa ra là Dòng sông kỷ niệm và Bản hùng ca trên sông. Trong đó, lễ hội lần 5 cần tổ chức nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4-01/5/2030) diễn ra trong 2 đêm với chương trình chính gồm Lễ hội sông nước và Lễ hội ẩm thực Sóc Trăng.
Không chỉ dừng lại ở lễ hội Sông Trăng, Viện Trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Trường Đại học Công thương TP.HCM còn đưa ra những ý tưởng khai thác các sản phẩm du lịch từ lễ hội Ook Om Bok - Đua ghe ngo trên dòng Maspéro nhằm đánh thức tiềm năng vốn có của địa phương 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer có truyền thống gắn bó, đoàn kết để cùng nhau đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển.
“Sóc Trăng cũng cần tổ chức lễ hội ẩm thực MeKong tại khu đô thị 5A với thành phần tham dự đến từ 13 tỉnh ĐBSCL, các đoàn ẩm thực Lào, Thái Lan, Campuchia. Những năm sau có thể mời thêm các đoàn ẩm thực đền từ Mianmar. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến việc tổ chức tour “Hành hương về sứ Phật” với các tour du lịch đến chùa Som Rong, chùa Chén Kiểu, chùa Dơi… và vận động cư dân cộng tác làm du lịch. Bên cạnh đó là có thể tổ chức tour du lịch ẩm thực biểu diễn nghệ thuật trên sông; tổ chức các đoàn Famtrip than quan những điểm du lịch đã khá hoàn chỉnh của tỉnh…”, tiến sĩ Lê Cao Thanh chia sẻ.
Duy Khang