Đề xuất trang bị máy bay, robot điều khiển từ xa hỗ trợ chữa cháy

ĐBQH Tô Ái Vang đề nghị cần phát minh thêm nhiều tính năng của robot – điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.

Đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến huyện, xã

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, sáng 28/8, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ.

Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Về phạm vi điều chỉnh của Luật, có ý kiến đề nghị chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để bảo đảm bao quát, tương thích với các nội dung trong dự thảo Luật;

Rà soát nội dung dự thảo Luật để tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành; bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung nội dung quản lý nhà nước về Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành; nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa phạm vi điều chỉnh với nội dung trong dự thảo Luật; bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng tại Điều 4 về chính sách của Nhà nước.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Đề cập về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, tại Khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật quy định: "Bố trí phù hợp lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở..."

Với quy định trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nên xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ "bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bám sát địa bàn cơ sở...".

Bởi nếu chỉ quy định riêng về lực lượng mà không có phương tiện, thiết bị để phục vụ, thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ không thể thực hiện được.

Yêu cầu của công tác cứu nạn, cứu hộ, dập tắt đám cháy phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phải hành động dũng cảm, quyết đoán trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, có mức độ nguy hiểm, rủi ro rất cao với mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân và tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở gặp nhiều khó khăn, nhất là cấp huyện và cấp xã. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong nên rất khó khăn.

Mặt khác, thực tế phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được trang bị còn thiếu, lạc hậu và kém chất lượng, chưa đáp ứng với yêu cầu và tình hình thực tế.

Chính vì vậy, cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy đến các huyện, nếu ở những nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã những loại phương tiện thiết yếu.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng đề nghị bổ sung quy định rõ hơn các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Đồng thời, cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư, trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại, kể cả việc trang bị phương tiện là máy bay nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn, cứu tài sản dập tắt đám cháy.

Có như vậy, mới giải quyết được những khó khăn hiện nay và sẽ giúp cho công tác phòng cháy, chữa cháy đạt hiệu quả hơn, tạo sự yên tâm trong Nhân dân.

Phát minh thêm nhiều tính năng của robot

Liên quan đến đảm bảo an toàn trong công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Chính phủ cần sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn, cứu người trong nhà cao tầng.

ĐBQH Tô Ái Vang nêu ý kiến.

ĐBQH Tô Ái Vang nêu ý kiến.

Cụ thể như: Tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước, phát minh thêm nhiều tính năng của robot – điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm.

Vấn đề này liên quan đến Điều 51 và 1 số điều khoản trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần được xem xét bổ sung để hoàn chỉnh hơn.

Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các công trình vi phạm, các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là trong việc thực hiện những quy định; trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình.

Mặc dù Điều 14 đã quy định về phòng cháy, chữa cháy khi lập, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch xây dựng nhưng cần được nghiên cứu bổ sung đề hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tham mưu với Ủy ban Thường vụ về báo cáo tiếp thu, giải trình và tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Luật để trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/de-xuat-trang-bi-may-bay-robot-dieu-khien-tu-xa-ho-tro-chua-chay-204240828143057717.htm