Đề xuất ý tưởng phát triển bền vững cho các đô thị ven sông

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương liên quan mới đây đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam về sáng kiến về phát triển đô thị bền vững và tăng trưởng hiệu quả đối với phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh.

Hành lang sông Đồng Nai là một trong những hành lang phát triển quan trọng của tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu

Hành lang sông Đồng Nai là một trong những hành lang phát triển quan trọng của tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu

Trong đó, đại diện World Bank tại Việt Nam đề xuất một số ý tưởng thiết kế không gian phát triển đô thị bền vững, nổi bật là phương án phát triển không gian đô thị theo dòng sông Đồng Nai và các nhánh sông phụ cận nhằm hỗ trợ cải thiện điều kiện sông ngòi, thủy văn và tăng cường năng lực giải quyết rủi ro về khí hậu…

Hướng tới quản lý và phát triển các không gian đô thị bền vững

Tiến sĩ Đặng Đức Cường, chuyên gia phát triển đô thị cao cấp của World Bank tại Việt Nam đánh giá cao các tiềm năng phát triển, kết nối các đô thị ven sông trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, đại diện World Bank tại Việt Nam đã trình bày các đề xuất, ý tưởng về quản lý và phát triển đô thị bền vững đối với một số đô thị ở Đồng Nai. Trong đó, nhấn mạnh các điểm nhấn, vấn đề cần lưu ý như: dịch chuyển “xanh dương”, liên kết xanh, các điểm “vàng” và hành lang “đỏ”.

Cụ thể, dịch chuyển “xanh dương” đối với đường thủy đặt ra vấn đề sông Đồng Nai và các nhánh sông có thể bị ảnh hưởng từ quá trình phát triển và xâm lấn của hạ tầng, các tác động môi trường theo chuỗi… Từ đó, cần đề ra giải pháp hướng tới mục tiêu thiết lập khung quy hoạch không gian có thể hỗ trợ cải thiện điều kiện sông ngòi, thủy văn và tăng cường năng lực giải quyết rủi ro về khí hậu.

Tiến sĩ ĐẶNG ĐỨC CƯỜNG, chuyên gia phát triển đô thị cao cấp của World Bank tại Việt Nam chia sẻ, Đồng Nai có hệ thống sông và điều kiện cửa sông có nhiều thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, liên kết kinh tế, thương mại, thúc đẩy các loại hình dịch vụ cảng, du lịch để thu hút chuyên gia, du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là khi kết nối với Sân bay Long Thành trong tương lai.

Về liên kết xanh, ông Đặng Đức Cường nêu vấn đề cần thiết lập khung quy hoạch không gian có thể hỗ trợ các “hệ thống” môi trường phân lớp và kết nối, để hỗ trợ cả môi trường sông và các khu vực tăng trưởng đô thị trong tương lai.

Ngoài ra, đại diện của World Bank tại Việt Nam còn chỉ ra các điểm “vàng” đang phát triển hiện tại và mới nổi xung quanh khu vực bờ sông của tỉnh có thể được thiết kế theo cách thận trọng để hòa hợp với môi trường cửa sông. Từ đó, hướng tới mục tiêu thiết lập khung quy hoạch không gian có thể xác định loại hình và hình thức phát triển xung quanh hệ thống sông để vừa bảo đảm bền vững, vừa duy trì năng lực chống chịu thiên tai, lũ lụt…

Đối với hành lang “đỏ”, ông Cường lý giải, việc phát triển kinh tế và đô thị mới cần có sự hỗ trợ của mạng lưới giao thông công cộng tích hợp, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đi vào hoạt động trong tương lại. Do đó, địa phương cần quan tâm thiết lập khung quy hoạch không gian có tính định hướng cho mạng lưới giao thông hợp lý, giúp kết nối với các điểm đến mà không làm ảnh hưởng đến năng lực tự nhiên và thủy văn quan trọng của cửa sông ở các khu vực phụ cận liên quan.

Từ những gợi mở vấn đề nói trên, đại diện World Bank tại Việt Nam đã đề xuất một số ý tưởng thiết kế không gian nhằm tạo nền tảng cho mạng lưới đường thủy nội địa; kết hợp đường thủy, đường bộ và giao thông xanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng tới bảo tồn mạng lưới sông hồ hiện hữu, tạo mạng lưới hành lang xanh để phân phối mạnh mẽ các dịch vụ môi trường cho người dân; phát triển trung tâm chính cho Sân bay Long Thành, kết nối với các dịch vụ du lịch đô thị lân cận trên toàn tỉnh…

Quan tâm đến các động lực phát triển đô thị

Sau khi nghe đại diện World Bank tại Việt Nam trình bày các đề xuất, ý tưởng về quản lý, phát triển bền vững cho các đô thị, nhất là các đô thị ven sông trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đã chia sẻ nhiều ý kiến nhằm làm rõ về thực trạng và định hướng phát triển phù hợp với thực tế địa phương để tận dụng, phát huy các tiềm năng, động lực phát triển cho các đô thị trong tương lai.

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại diện World Banktại Việt Nam đã có nghiên cứu kỹ về quy hoạch này, cũng như các xu hướng phát triển, đô thị hóa của tỉnh. Trong đó, đặc biệt xác định Sân bay Long Thành và tuyến sông Đồng Nai là hai động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Các nội dung đề xuất cũng xoay quanh việc phát triển đô thị dọc sông Đồng Nai cũng như kết nối với Sân bay Long Thành.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư mong muốn World Bank tiếp tục quan tâm đến mục tiêu phát triển đô thị bền vững của địa phương trong thời gian tới. Trong đó, vấn đề cần lưu ý hiện nay là việc xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho các đô thị. Đây là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Sở Kế hoạch và đầu tư đang quan tâm, theo dõi để có đề xuất, tham mưu phù hợp về nguồn vốn triển khai.

Tương tự, Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho hay, Sở Xây dựng đang được giao nhiệm vụ quy hoạch phát triển dọc các tuyến sông. Đây là thế mạnh, tiềm năng phát triển lớn của Đồng Nai. Do đó, World Bank có thể nghiên cứu thêm, đề xuất cụ thể hơn những nguồn lực ở nội dung này để hỗ trợ cho Đồng Nai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một trong những ưu tiên quan trọng đối với phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay là nghiên cứu, triển khai các giải pháp liên quan đến hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung ở các đô thị như Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Khánh…

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức ghi nhận và đánh giá cao những trình bày, ý tưởng đề xuất từ phía đại diện World Bank tại Việt Nam trong việc hỗ trợ lập kế hoạch và hỗ trợ tài chính tiếp theo để đô thị hóa bền vững và tăng trưởng hiệu quả cho Đồng Nai. Trong đó, trọng tâm là cải thiện môi trường sống cũng như hệ thống giao thông công cộng kết nối với Sân bay Long Thành. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển của Đồng Nai.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh giao Sở Kế hoạch và đầu tư làm đầu mối trao đổi với World Bank để thực hiện các phần việc, các bước tiến hành liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư, có phương án rút ngắn thời gian nghiên cứu đến khoảng tháng 6-2025 thay vì tháng 12-2025 như đề xuất của World Bank. Để từ đó Đồng Nai có thể xem xét xác định nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030. Sau khi hoàn chỉnh các nội dung hồ sơ theo đề xuất của World Bank, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202409/de-xuat-y-tuong-phat-trien-ben-vung-cho-cac-do-thi-ven-song-b4c1e6e/