Đề xuất Trung Quốc cho phương tiện sang cửa khẩu Việt Nam nhận hàng
Điều này nhằm tận dụng nguồn lao động của Việt Nam để giảm tác động của việc thiếu nhân lực vận tải bốc dỡ hàng hóa tại cửa khẩu.
Ngày 13/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã điện đàm với ông Lộc Tâm Xã, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm tăng cường phối hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc nói chung, các địa phương của Việt Nam với Quảng Tây nói riêng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, 2 bên cần phối hợp chặt chẽ để khôi phục hoàn toàn hợp tác kinh tế thương mại, cụ thể là khôi phục chuỗi cung ứng và nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp 2 bên.
Bộ trưởng đề xuất trước mắt, phía Quảng Tây có phương án bổ sung nhân lực, nâng cao hiệu suất và tốc độ thông quan hàng hóa và linh hoạt cho phép phương tiện của Trung Quốc sang khu cách ly tại cửa khẩu Việt Nam, để nhận hàng trong thời gian dịch bệnh. Điều này nhằm tận dụng nguồn lao động của Việt Nam để giảm tác động của việc thiếu nhân lực vận tải bốc dỡ hàng hóa tại cửa khẩu.
Nhấn mạnh lại vai trò của Quảng Tây với ưu thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ quan trọng trong hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị chính quyền Quảng Tây trao đổi, đề nghị các cơ quan liên quan Trung Quốc có các biện pháp tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam.
Thứ nhất, sớm bổ sung thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu trái cây tươi trên tuyến biên giới đất liền cũng như qua các tuyến vận tải đường sắt.
Thứ hai, sớm đưa Lối thông quan cầu Bắc Luân II, thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc) vào hoạt động chính thức.
Thứ ba, mở rộng diện nông sản, trái cây được phép nhập khẩu tại Cửa khẩu đường sắt Bằng Tường. Thứ tư, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục pháp lý mở cửa thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và các loại nông sản khác gồm sản phẩm tổ yến, khoai lang cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị 2 bên phối hợp xây dựng ngay kế hoạch hành động sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tăng cường giao thương, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phổ biến thông tin thị trường, hướng dẫn tổ chức sản xuất…
Trước mắt, trong bối cảnh dịch bệnh, 2 bên cần tính đến những phương thức hợp tác mới như tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại qua môi trường internet, tăng cường hợp tác thương mại điện tử qua biên giới…
Bí thư Lộc Tâm Xã cơ bản nhất trí với những ý tưởng đề xuất của phía Việt Nam. Phía Quảng Tây sẽ cân nhắc việc bổ sung nhân lực, mở rộng kho bãi, phân luồng hàng hóa nhằm giảm sức ép cho thông quan trên nguyên tắc đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Bí thư Quảng Tây cũng đề nghị 2 bên sớm mở rộng các cửa khẩu khu vực biên giới như Long Bang - Trà Lĩnh, Tà Lùng - Thủy Khẩu, Hoành Mô - Động Trung; đề nghị phía Việt Nam ưu tiên khôi phục kết nối giao thông hàng không và các cảng kết nối Việt Nam Quảng Tây, thúc đẩy hoạt động xuất nhập cảnh cho người dân hai Bên...
Bí thư Lộc Tâm Xã cũng cho biết sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy công tác mở cửa thị trường, mở rộng diện hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; hoan nghênh ý tưởng hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường internet và tăng cường thương mại điện tử qua đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh; nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch hành động sau khi dịch bệnh được đẩy lùi…/.