Đề xuất trưởng công an cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như thủ trưởng cơ quan điều tra

Dự thảo Bộ luật TTHS sửa đổi, bổ sung quy định điều tra viên là trưởng công an cấp xã hoặc phó trưởng công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như thủ trưởng cơ quan điều tra.

Sáng 20-5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành thời gian nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS).

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết dự thảo sửa đổi, bổ sung 106 điều luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan.

Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan điều tra từ mô hình 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh).

 Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: QH

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: QH

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay khi không tổ chức công an cấp huyện, phù hợp với quy mô của công an xã sau sắp xếp, dự thảo bổ sung quy định điều tra viên là trưởng công an cấp xã hoặc phó trưởng công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như thủ trưởng cơ quan điều tra.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực).

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy TAND từ mô hình 4 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực). Trong đó, điều chỉnh quy định về thẩm quyền xét xử của TAND theo nội dung Đề án về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy của TAND đã được Bộ Chính trị, Trung ương kết luận.

Riêng thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự vẫn giữ nguyên, lý do bởi đề án về hệ thống cơ quan tư pháp trong Quân đội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Quân ủy Trung ương trình, đã được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thông qua. Các ý kiến của Bộ Quốc phòng, TAND tối cao đều theo hướng đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của Tòa án quân sự các cấp.

Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 cũng khẳng định giữ nguyên tổ chức, bộ máy của Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: QH

Liên quan đến đề xuất bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên là trưởng công an cấp xã (hoặc phó trưởng công an cấp xã), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho hay cơ quan thẩm tra nhận thấy quy định này “rất cần thiết", nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, nội dung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên là trưởng công an cấp xã (hoặc phó trưởng công an cấp xã) tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật có nhiều nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn với các nội dung khác của Bộ luật TTHS và mâu thuẫn ngay trong dự thảo Luật, do đó sẽ phát sinh vướng mắc và không khả thi khi triển khai trên thực tế.

Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của Bộ luật TTHS để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh được bố trí là trưởng công an cấp xã (hoặc phó trưởng công an cấp xã), bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Có một số nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Theo dự thảo, Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như như thủ trưởng cơ quan điều tra quy định tại điểm a, c khoản 1 và Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

- Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra;

- Quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Điều tra viên.

- Một số nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành tố tụng:

+ Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định ủy thác điều tra;

+ Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật này;

+ Quyết định truy nã, đình nã bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng;

+ Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản.

+ Trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và tiến hành các biện pháp điều tra;

+ Kết luận điều tra vụ án;

+ Quyết định tạm đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra vụ án, bị can;

+ Ra các lệnh, quyết định và tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-xuat-truong-cong-an-cap-xa-co-mot-so-nhiem-vu-quyen-han-nhu-thu-truong-co-quan-dieu-tra-post850629.html