Đề xuất từ năm 2025 cần bổ sung báo cáo chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính
ĐBQH chỉ rõ: Thời gian là nguồn lực quý giá của sự phát triển. Do đó, thực tiễn đòi hỏi nước ta cần có một cuộc đại cải cách về thủ tục hành chính toàn diện, triệt để trong tất cả các lĩnh vực.
Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) kiến nghị, Quốc hội kể từ năm 2025 trở đi, cần bổ sung báo cáo chuyên đề của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính để Quốc hội nghiên cứu thảo luận và giám sát có chất lượng hơn vấn đề này, nhất là đối với các lĩnh vực cần phải thực hiện cải cách để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.
Theo bà Xuân, trong nhiều năm qua, cải cách thủ tục hành chính được Đảng, Nhà nước ta xác định là một khâu trọng tâm, đột phá trong cải cách hành chính. Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định trọng tâm lớn. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bà Xuân dẫn chứng, trong các phiên thảo luận của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, rất nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị có liên quan đến cải cách thủ tục hành chính. Mặc dù từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương thực hiện cắt giảm 2.866 quyết định kinh doanh, phân cấp 206 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 763 thủ tục hành chính, đồng thời rà soát, cắt giảm những thủ tục không cần thiết để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhưng theo báo cáo đánh giá của Chính phủ và kiến nghị của cử tri vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.
Đồng thời, Nghị quyết số 76 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030 đề ra nhiều mục tiêu quan trọng phải đạt được trong năm 2025, 2030 về cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy năm 2025, kiến nghị cần có báo cáo về nội dung này cho Quốc hội.
Bà Xuân đặt vấn đề: Phải chăng thể chế, thủ tục hành chính còn lạc hậu, nặng nề chưa theo kịp thực tiễn, làm mất nhiều thời gian và làm tăng chi phí tuân thủ, đang bó buộc sự năng động, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả của hành chính nhà nước, tạo lực cản cho sự phát triển của đất nước?.
Bà Xuân nói rằng, thời gian là nguồn lực quý giá của sự phát triển. Do đó, thực tiễn đòi hỏi nước ta cần có một cuộc đại cải cách về thủ tục hành chính toàn diện, triệt để trong tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư, xây dựng, mua sắm công và thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước, về phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương.