Đề xuất tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 58: Chưa có cơ sở
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) mới có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là 58. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất này là thiếu cơ sở thực tiễn.
Tăng tuổi nghỉ hưu phải căn cứ thực tiễn
Theo kết quả khảo sát, tuổi thọ trung bình của người Việt ngày càng cao nhưng thực tế sức khỏe của người dân chưa tốt. Trung bình một người cao tuổi mắc 3 bệnh và phải chịu gánh nặng bệnh tật kép.
Nữ giới sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới 8 năm. Trong khi, tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động chậm được cải thiện. Do vậy, TLĐ đề nghị thực hiện công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng: Công chức tăng tất cả, viên chức tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58.
Đề xuất này được không ít người lao động (NLĐ) làm việc trong ngành dệt may, da giày, thủy sản, lắp ráp đồ điện tử đồng tình. Bởi đặc thù công việc, sau 50 tuổi mắt bắt đầu mờ, chân tay không còn nhanh nhẹn, kỹ năng giảm khó có thể đảm bảo năng suất lao động.
Trong khi đó, không ít DN, nhất là những đơn vị sử dụng nguồn nhân công trực tiếp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi phải trả lương cao vì thâm niên làm việc, đã tìm cách chấm dứt hợp đồng với nhiều NLĐ tuổi 35 – 45. Mới đây, nhiều công nhân Tổng Công ty May 10 kiến nghị với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung về tuổi làm việc chỉ nên kéo dài đến 55 như hiện nay.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho biết, NLĐ đang hết sức băn khoăn, thể hiện sự đồng tình chưa cao với 5 lý do Ban soạn thảo đưa ra để nâng tuổi nghỉ hưu nữ lên 60, nam 62. Với đề xuất của TLĐ tuổi nghỉ hưu nữ giới 58, theo ông Phương, tăng hay không, lên bao nhiêu phải căn cứ vào thực tiễn và lắng nghe ý nguyện của NLĐ.
Lao động 1.748 ngành nghề được giảm 5 năm làm việc
Bàn về câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều chuyên gia lao động khẳng định sự cần thiết, bởi Nhà nước quy định tuổi nghỉ hưu 55 với nữ và 60 với nam cách đây mấy chục năm, khi điều kiện kinh tế và tuổi thọ còn thấp. Bây giờ, tuổi thọ của người Việt Nam tăng cao, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.
Theo quan điểm của PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn, TLĐ đề xuất tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tăng lên thành 58 là chưa hợp lý. TLĐ không giải thích dựa trên cơ sở nào, chỉ đề xuất lao động nữ làm việc đến 58, trong khi tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới. Hơn nữa, mục đích của tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giải quyết bình đẳng giới cho phụ nữ. Thực tế, khi phụ nữ 55 tuổi nghỉ hưu, bước qua 50 tuổi họ không còn cơ hội thăng tiến, trong khi nam giới 55 tuổi vẫn có. Về hưu ở tuổi 55, mức lương hưu của nữ giới thấp hơn nam giới rất nhiều.
Trước đề xuất của TLĐ chỉ nên nâng tuổi nghỉ hưu của nữ công nhân là 58, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Trong danh mục 1.748 ngành nghề, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại được giảm tuổi làm việc 5 năm so với quy định. Như vậy, nếu nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 với nam, vẫn có những phụ nữ về hưu ở độ tuổi 55. Tại sao lại bắt người ta ở lại làm việc đến 58 tuổi? Điều này rất phi lý. “Những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và lao động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, không chỉ được giảm tuổi nghỉ hưu 5 năm mà thậm chí hơn 10 năm. Như vậy, vẫn có phụ nữ về hưu tuổi 50 và dưới 50 và nam giới về hưu tuổi 50 và dưới 55. Vì thế, đề xuất của TLĐ về lao động nữ nghỉ hưu tuổi 58 là không hợp lý” – ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là 60, nam 62; thực hiện từ ngày 1/1/2021, để giải quyết vấn đề già hóa dân số, quỹ BHXH, bình đẳng giới. Tuy nhiên, cần có lộ trình tăng phù hợp cho từng nhóm đối tượng lao động, ngành nghề để hài hòa về thị trường việc làm và NLĐ không bị sốc.q