Đề xuất tuyến metro kết nối 3 đô thị lớn vùng Đông Nam bộ
Tại buổi làm việc với các địa phương, Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh đề xuất phương án để tạo kết nối giữa 3 đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm: TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Tuyến metro này được xem là khả thi và nhiều tiềm năng để kết nối giao thông giữa các đô thị, từ đó tạo ra các điều kiện để giao lưu, hợp tác phát triển du lịch tại các địa phương. Đối với tỉnh Bình Dương cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để triển khai dự án tuyến sắt kết nối Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời đề xuất điều chỉnh quy hoạch ga đầu mối An Bình thêm chức năng ga khách để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Phương án kéo dài tuyến metro số 1 TP.Hồ Chí Minh
Ngày 7-7, tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đang nghiên cứu phương án kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Việc kéo dài tuyến đường sắt này được xác định là cần thiết để tăng kết nối vùng, kích cầu du lịch, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội các đô thị trong tương lai.
TP.Hồ Chí Minh đề xuất mở rộng kết nối tuyến Metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai
Theo phương án nghiên cứu, đoạn 1 (đoạn chung) từ ga Suối Tiên sẽ tiếp tục đi trên cao bên phải quốc lộ 1 sau đó vượt sang trái để về ga S0 - ga Bình Thắng trước nút giao Tân Vạn dài khoảng 1,8km; tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Đoạn 2, tại ga S0 sẽ triển khai tiếp 2 tuyến nhánh độc lập đi qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, nhánh 1 hướng về Đồng Nai có chiều dài khoảng 18,3km, đi trên cao từ ga S0 qua ngã 3 Vũng Tàu đến Chợ Sặt và về khu vực Hố Nai, huyện Trảng Bom. Nhánh 2 hướng về tỉnh Bình Dương dài khoảng 29,5km, đi trên cao từ ga S0 đến gần nút giao Bình Chuẩn và đi về Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương.
Theo Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh, các đoạn tuyến từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) và các nhánh đi về 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao, không đòi hỏi phức tạp trong việc xây dựng (như xây ngầm), giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt. Sở GTVT thành phố sẽ xem xét, tham mưu cho UBND TP.Hồ Chí Minh các phương án phối hợp, hỗ trợ và tham gia góp vốn đầu tư.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, hệ thống metro kết nối vùng sẽ có 8 tuyến, gồm: Trảng Bom - Hòa Hưng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dĩ An - Lộc Ninh, TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh - Nha Trang, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh và các tuyến đường sắt chuyên dụng nối ra cảng Hiệp Phước. Đến năm 2030, các địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có nhu cầu vận tải lớn; phấn đấu khởi công một số tuyến kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường kết nối Thủ Thiêm - Long Thành; đối với tuyến TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ đầu tư đầu tư theo hình thức công tư (PPP) hoặc phương thức đầu tư khác phù hợp...
Đề xuất thêm chức năng ga khách cho ga đầu mối An Bình
Theo quy hoạch được duyệt, ga An Bình (TP.Dĩ An) có vị trí chiến lược,là ga chính và là trung tâm đầu mối của các tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP.Hồ Chí Minh, được quy hoạch với quy mô khoảng 64,6ha, bao gồm cả diện tích ga Sóng Thần. Tuy nhiên, vị trí quy hoạch ga An Bình hiện nay đã làm chia cắt các khu chức năng, mạng lưới hạ tầng giao thông đô thị của TP.Dĩ An. Hiện mật độ xây dựng và mật độ dân cư tại khu vực quy hoạch ga An Bình rất cao, nên việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ gặp khó khăn khi thực hiện dự án xây dựng ga theo quy hoạch.
Trong khi đó, Khu công nghiệp Sóng Thần I có vị trí đối xứng bên phải vị trí quy hoạch ga An Bình theo hướng Bắc - Nam của tuyến đường sắt hiện hữu, có thời gian thuê đất đến năm 2045 là kết thúc. Để tiếp tục thực hiện quy hoạch của Bộ GTVT bảo đảm vai trò là ga đầu mối vận chuyển hàng hóa, trung tâm logistics của vùng và là trung tâm liên vận quốc tế; đồng thời vị trí ga nằm giáp ranh với TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, tiếp giáp với các trục giao thông huyết mạch như cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Quốc lộ 1A, Vành đai 2 TP.Hồ Chí Minh tạo thuận lợi cho phát triển ga hành khách trung tâm. Tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về chủ trương điều chỉnh vị trí ga An Bình từ bên trái tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu sang bên phải tuyến.
Hiện Cục Đường sắt Việt Nam đang được Bộ GTVT giao lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.Hồ Chí Minh, trong đó có điều chỉnh vị trí quy hoạch ga An Bình và bổ sung chức năng ga hành khách cho ga An Bình.
Liên quan việc điều chỉnh này, UBND TP.Hồ Chí Minh thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh quy hoạch chức năng các ga đầu mối Bình Triệu và An Bình phù hợp với sự phát triển của địa phương.
Bình Dương xây dựng tuyến đường sắt kết nối Dĩ An - Biên Hòa - Vũng Tàu
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, tổng chiều dài tuyến từ huyện Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải khoảng 125,25km. Đối với đoạn từ TP.Dĩ An đến cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT bổ sung phương án hướng tuyến từ ga Dĩ An - nút giao Phước Tân (vị trí giao đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng với đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu) vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh để nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP.Dĩ An.
Tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án kéo dài dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu về đến ga An Bình; đồng thời tiếp tục cùng phối hợp kiến nghị Trung ương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự kiến, đoạn đường sắt từ TP.Dĩ An - huyện Bàu Bàng có chiều dài khoảng 41,65km, tổng mức đầu tư dự kiến là 34.300 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 9.500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách; giai đoạn 2 đầu tư hệ thống đường ray và hệ thống nhà ga theo quy hoạch khoảng 24.800 tỷ đồng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc PPP.