Đề xuất ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng nhằm đưa ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô. Do đó, các quy định, chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có điểm vượt các luật hiện hành. Vậy, áp dụng Luật Thủ đô như thế nào?

Ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một điều về áp dụng pháp luật với quan điểm bảo đảm tính nhất quán và xuyên suốt trong việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật hiện hành, vừa phát huy giá trị và hiệu lực của Luật Thủ đô, vừa bảo đảm nguyên tắc về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không phá vỡ tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, bảo đảm tính minh bạch, thuận lợi trong việc hiểu và áp dụng Luật Thủ đô. Trường hợp các luật, nghị quyết ban hành sau Luật Thủ đô không quy định cụ thể việc áp dụng luật, nghị quyết đó thì Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng.

Để bảo đảm thi hành có hiệu quả quy định này, dự thảo Luật cũng bổ sung trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ phải phối hợp với chính quyền thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô sửa đổi.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô sửa đổi.

Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo luật, nghị quyết (ngoài việc rà soát dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội với hệ thống pháp luật nói chung còn phải rà soát với Luật Thủ đô nói riêng để xác định những quy định có liên quan khác với quy định của Luật Thủ đô), qua đó hạn chế việc đưa ra những chính sách, quy định mâu thuẫn, chồng chéo thậm chí vô hiệu hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô.

Mặt khác, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội trong việc tham gia ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có quy định liên quan đến các chính sách, cơ chế đặc thù quy định tại Luật này.

Ông Nguyễn Công Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành viên Tổ Biên tập dự án Luật Thủ đô sửa đổi cho biết, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 chỉ rõ một nguyên nhân làm cho nhiều nội dung đặc thù của Luật năm 2012 bị vô hiệu, không thi hành được là do Luật không có quy định về việc áp dụng Luật Thủ đô như thế nào trong trường hợp có sự khác biệt so với quy định về cùng một vấn đề trong các luật, nghị quyết khác của Quốc hội khác đang có hiệu lực hoặc ban hành sau.

Thực tiễn thi hành Luật Thủ đô năm 2012 cũng cho thấy khá nhiều nội dung đặc thù, vượt trội trong Luật được giao cho Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND thành phố Hà Nội quy định chi tiết nhưng những văn bản này của địa phương dù đã ban hành cũng không thi hành được vì có chứa các quy định khác hoặc trái với văn bản của Trung ương có hiệu lực cao hơn quy định về cùng vấn đề.

Do nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa dự liệu việc áp dụng các luật, nghị quyết của Quốc hội có những nội dung đặc thù, khác biệt như Luật Thủ đô. Vì vậy, nếu áp dụng nguyên tắc chung “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau” (khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) vào trường hợp Luật Thủ đô (sửa đổi) thì có thể thấy trước rào cản pháp lý lớn đối với việc thi hành Luật Thủ đô vì có nhiều quy định đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô sẽ không được áp dụng nếu các luật ban hành sau có quy định khác về cùng vấn đề.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô.

Do đó, cần thiết phải có một điều khoản quy định việc áp dụng Luật Thủ đô (sửa đổi) trong quan hệ với các luật khác, bao gồm cả luật ban hành trước hay sau Luật Thủ đô, nhằm khắc phục bất cập về hiệu lực thực tế và khả năng thi hành được của các quy định tại Luật Thủ đô.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 4 quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng quy định của Luật Thủ đô có nội dung khác so với quy định về cùng vấn đề tại các luật, nghị quyết khác của Quốc hội đang có hiệu lực.

Khoản 2 Điều 4 quy định cơ chế mới, có tính đặc thù, khác so với nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là không đương nhiên áp dụng quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau nếu có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng vấn đề. Trong trường hợp này, theo Dự thảo Luật Thủ đô, việc áp dụng quy định của Luật Thủ đô hay áp dụng quy định của Luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau phải được xác định cụ thể ngay trong từng luật, nghị quyết đó.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với quy định về ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô như trong dự thảo Luật. Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) cho rằng cần chỉnh sửa quy định về áp dụng Luật Thủ đô tại Điều 4 theo hướng: “Nếu trong trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành mà có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhiều hơn so với Luật này thì có thể áp dụng các quy định có lợi nhất cho Thủ đô phát triển” là phù hợp (có nghĩa là được áp dụng Luật Thủ đô hoặc áp dụng luật, nghị quyết của Quốc hội).

Đại biểu cho rằng, nguyên tắc áp dụng này sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật Thủ đô 2012, đồng thời thể chế hóa được các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-uu-tien-ap-dung-luat-thu-do-162861.html