Đề xuất vay 15.030 tỷ đồng trái phiếu chính phủ mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

Đây là phương án huy động vốn mới nhất để mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành vừa được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Một đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản gửi các bộ: tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông - Vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xin ý kiến về phương án vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ phát hành để thực hiện đầu tư mở rộng phân đoạn đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận báo cáo Quốc hội đồng ý để Chính phủ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay lại vốn trái phiếu chính phủ phát hành để có nguồn thực hiện đầu tư Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Trị giá khoản vay này là khoảng 15.030 tỷ đồng (tương đương 100% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) với thời hạn vay 15 năm.

Trước đó, tại Thông báo số 554/TB-VPCP ngày 13/12/2024 của VPCP, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao Ủy ban, VEC và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, nghiên cứu phương án vay lại từ nguồn trái phiếu Chính phủ phát hành để có nguồn lực thực hiện đầu tư mở rộng Dự án, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định; trên cơ sở đó lấy ý kiến đầy đủ các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật và trình cấp có thẩm quyền.

Được biết, Tại khoản 10 Điều 3 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017 quy định: Trái phiếu chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ.

Tại khoản 1, 2, 3 Điều 25 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017 quy định: Mục đích vay của Chính phủ là để :bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển, không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên; bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách trung ương và bảo đảm thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ; chi trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ.

“Do việc phát hành trái phiếu chính phủ không bao gồm mục đích cho doanh nghiệp vay lại để đầu tư vào dự án, vì vậy, việc quyết định cho doanh nghiệp vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ thuộc thẩm quyền Quốc hội”, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.

Được biết, Dự án mở rộng phân đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành dự kiến bắt đầu từ Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920), với tổng chiều dài 21,92 km.

Trong đó, đoạn từ Vành đai 2 - Vành đai 3 (Km4+00 - Km8+770) được mở rộng lên 8 làn xe theo quy hoạch; đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) được mở rộng lên 10 làn xe.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến khoảng 15.722 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó, VEC huy động 100% vốn để thực hiện đầu tư Dự án và tổ chức khai thác, thu phí hoàn vốn thực hiện theo Luật Đầu tư. Số tiền gốc vay lại trái phiếu chính phủ được thanh toán 1 lần vào ngày đáo hạn; tiền lãi được thanh toán hàng năm.

Theo tính toán của VEC, thời gian hoàn vốn Dự án là 18 năm; lũy kế dòng tiền sau thuế của Dự án mở rộng và dòng tiền hòa chung 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư luôn dương. Do vậy, phương án này khả thi về mặt tài chính.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-vay-15030-ty-dong-trai-phieu-chinh-phu-mo-rong-cao-toc-tphcm---long-thanh-d240701.html