Đề xuất về kinh phí hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo nêu rõ nội dung chi hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý bao gồm: Các khoản chi thanh toán cho cá nhân như tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, nếu có) và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định của pháp luật.

Các khoản chi liên quan đến nghiệp vụ trợ giúp pháp lý gồm: Chi thù lao thực hiện trợ giúp pháp lý đối với luật sư, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định; chi thực hiện công tác tuyên truyền về trợ giúp pháp lý; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình...) và các hình thức khác (biên soạn, in ấn, phát hành tờ gấp, hộp tin, bảng thông tin, website, tài liệu khác) đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả; chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn ghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý đối với cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; Chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý…

Về mức chi, dự thảo đề xuất: Chi hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí); chi làm mới, sửa chữa băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu mua sắm thường xuyên nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan, đơn vị của nhà nước;

Chi tổ chức các buổi tuyên truyền về nội dung, hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý, bao gồm: Chi nước uống, chi thuê loa, đài, hội trường (nếu có). Mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu hội nghị do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Chi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý đối với cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo nội dung và mức chi do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Chi thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo chế độ công tác phí theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

LP

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi/de-xuat-ve-kinh-phi-hoat-dong-cua-co-quan-tro-giup-phap-ly-nha-nuoc/380717.vgp