Đề xuất xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Bộ Công an vừa báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ kiểm tra phương tiện chở hàng quá tải trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Định Quán. Ảnh: T.Hải

Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ kiểm tra phương tiện chở hàng quá tải trên quốc lộ 20 đoạn qua H.Định Quán. Ảnh: T.Hải

Hiện nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang điều chỉnh chung nhiều lĩnh vực như: quy tắc giao thông, người và phương tiện giao thông, hạ tầng giao thông, vận tải… Do hiệu quả điều chỉnh chưa cao đối với trật tự ATGT nên Bộ Công an kiến nghị tách thành 2 luật là Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

* Nhiều điều chỉnh, bổ sung

Bộ Công an đánh giá, dù Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã phát huy nhiều hiệu quả, tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ còn những vấn đề bất cập nhất định.

Do đó, theo Bộ Công an, cần xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ để thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất áp dụng các quy định về xử lý vi phạm giao thông đường bộ; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ bổ sung, thay thế 7 nhóm nội dung chính gồm: quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe; quy định về phương tiện lưu thông đường bộ; thống nhất việc quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; quy định về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quy định về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý và vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, ATGT.

Dự thảo xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ có nhiều điểm mới được bổ sung, thay thế cho các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Điển hình như dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quy định cụ thể về phương tiện (khái niệm, kiểu, loại, điều kiện tham gia giao thông của phương tiện), quy định cụ thể về điều kiện của người điều khiển phương tiện để dễ vận dụng, thực hiện, đảm bảo công tác quản lý, tránh việc do luật không quy định nên nhiều phương tiện tham gia giao thông không được quản lý và sự tùy tiện trong việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện, gây khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông và mất an ninh trật tự, vi phạm diễn ra thường xuyên, phổ biến.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ cũng quy định cụ thể hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe tham gia giao thông đường bộ… một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

* Cần thiết trong đảm bảo ATGT

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT năm 2020 vào ngày 28-12-2019, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho rằng, những vụ tai nạn giao thông gần đây ngoài tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. Nhiều đối tượng lợi dụng ùn tắc giao thông nhằm cản trở, gây rối trật tự xã hội, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông thiếu hành lang pháp lý để xử lý.

“Các văn bản pháp luật hiện hành không đủ chế tài trong xử phạt vi phạm ATGT cũng như xử lý các nguyên nhân gây ra tai nạn. Trong đó, có nguyên nhân do hành lang pháp lý về trật tự ATGT chưa đủ mạnh; công tác quản lý nhà nước về ATGT còn nhiều bất cập” - trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng nhấn mạnh.

Đại diện Đội Tuyên truyền điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự ATGT sẽ giúp các lực lượng chức năng dễ dàng trong xử lý vi phạm cũng như quản lý người điều khiển phương tiện. Trong đó, luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự ATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát, xử lý vi phạm ATGT đường bộ, hạn chế hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.

Liên quan đến vấn đề này, ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho biết, ý thức, kỹ năng của một bộ phận người tham gia giao thông hiện còn hạn chế, vi phạm trật tự ATGT vẫn diễn ra phổ biến; tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, việc quy định các hành vi, nội dung thể hiện cụ thể sẽ góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202004/de-xuat-xay-dung-luat-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-3000877/