Đề xuất xây dựng tuyến đường di sản hai bên sông Hồng

Ngày 10/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội tại các quận, huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên và Gia Lâm nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, đại diện liên danh tư vấn nêu định hướng phát triển ban đầu và đề xuất tại khu vực Gia Lâm - Long Biên nghiên cứu hình thành các khu thương mại - dịch vụ - du lịch - vui chơi quy mô lớn để cạnh tranh với các trung tâm vui chơi nổi tiếng của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… với nhiều chủ đề, gắn với các lợi thế về văn hóa - lịch sử - thiên nhiên. Khu vực Hoàng Mai - Thanh Trì phát triển các công trình thương mại, dịch vụ có kiến trúc hiện đại, trung tâm hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia, trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại dịch vụ quốc tế.

Hà Nội định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa đồng bộ với không gian đô thị hai bên sông Hồng.

Hà Nội định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa đồng bộ với không gian đô thị hai bên sông Hồng.

Tại khu vực này cũng xây dựng các mô hình kinh tế đêm phù hợp với giới trẻ, hiện đại, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Về quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng, đơn vị tư vấn định hướng tạo mặt bằng bãi theo hình ruộng bậc thang theo mực nước dâng. Vào mùa cạn sẽ sử dụng làm bãi đỗ xe, nơi hoạt động thể thao, kinh doanh dịch vụ và khi nước dâng trở thành dòng chảy. Các cầu cạn được xây dựng chạy dọc theo mép sông, tạo thành mặt sàn bê tông dọc hai bên sông; phía ngoài cùng sát mép nước làm 2 tuyến đường chạy dọc mép nước hai bên sông. Phần diện tích đường nằm ven sông và đê là không gian phát triển các hoạt động kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng như “thành phố nổi ven sông” với định hướng trở thành trục kinh doanh dịch vụ trung tâm của Thủ đô, không gian xây dựng nhà ở.

Tuyến đường cầu cạn chạy dọc hai bên sông Hồng sẽ là tuyến đường di sản phục vụ du lịch dịch vụ. Đây cũng là không gian để tổ chức các lễ hội văn hóa hàng tuần, gồm lần lượt các lễ hội văn hóa trên cả nước được tập hợp về đây để tái hiện lại các lễ hội văn hóa, quảng bá du lịch cho các địa phương. Định hướng quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa đồng bộ với tiến trình phát triển không gian đô thị hai bên sông và gắn kết với chuỗi du lịch lịch sử dọc sông Hồng.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đánh giá cao các đơn vị tư vấn đã đồng hành, hỗ trợ cho TP trong thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô. Ông cũng nhấn mạnh, sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo UBND các quận, huyện cho thấy các địa phương đã ý thức được Quy hoạch Thủ đô là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đề nghị 4 quận, huyện sau hội nghị tiếp tục bố trí các buổi làm việc với đơn vị tư vấn, cùng đánh giá kỹ từng nội dung đã trao đổi mang tính tổng quan và trọng yếu để đề xuất phương án tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô. Cơ sở dữ liệu, số liệu và hiện trạng đóng vai trò quan trọng nên các quận, huyện sẽ có trách nhiệm tập hợp, chuyển toàn bộ cho tư vấn.

Lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục phối hợp chặt cùng các quận, huyện hoàn thiện các phương án trên tinh thần không hạn chế về số lượng, đưa ra các dự báo và thảo luận sâu về từng nội dung, thể hiện yếu tố mới, đột phá, tầm nhìn dài hạn và khát vọng trong phát triển.

C.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/de-xuat-xay-dung-tuyen-duong-di-san-hai-ben-song-hong-i703421/