Đề xuất xây nhà ở xã hội từ nguồn đầu tư công
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiến nghị đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, qua đó có nguồn lực đầu tư nhà ở cho công nhân
Ngày 27-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tổng vốn đầu tư: 2,87 triệu tỉ đồng
Theo kế hoạch được Chính phủ trình, dự kiến tổng vốn ngân sách thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng. Trong đó, 1,5 triệu tỉ đồng là vốn ngân sách trung ương (1,2 triệu tỉ đồng vốn trong nước, 300.000 tỉ đồng vốn nước ngoài) và 1,37 triệu tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) kiến nghị QH, Chính phủ xem xét lại nhu cầu đầu tư trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Trên cơ sở đó, ưu tiên các dự án cấp thiết, khả thi và có tính lan tỏa mạnh mẽ để hồi phục sản xuất - kinh doanh sau đại dịch Covid-19. ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ những dự án quan trọng của quốc gia, trong đó có các công trình ngăn mặn, giữ ngọt, các dự án hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, phát triển giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các quốc lộ 53, 54 để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với dự án tuyến đường ven biển 1.700 km từ tỉnh Quảng Ninh đến Kiên Giang được Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng việc triển khai dự án phù hợp với chiến lược phát triển biển bền vững của nước ta. "Tuyến đường này vừa là đường bộ vừa là đê bao biển, bảo đảm chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…" - ĐB Nguyễn Quốc Hận phân tích.
Bên cạnh kế hoạch phân bổ nguồn vốn, các ĐB đã dành nhiều thời gian để thảo luận về nội dung nâng cao hiệu quả trong đầu tư công, khắc phục các hạn chế, bất cập. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng trong những năm gần đây, khi chúng ta quyết liệt chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì đầu tư công đã hiệu quả hơn, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm nợ công, tạo dư địa để tiếp tục đầu tư. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị xem xét bổ sung nguồn vốn đầu tư cho những vùng có khả năng tạo ra tiền lớn, trong đó có Đông Nam Bộ. Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư cho các trung tâm tài chính ở TP HCM và Đà Nẵng.
Còn chuyện địa phương sợ trách nhiệm
Tham gia thảo luận tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Khang (Ninh Thuận), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân - lao động cả nước là nhà ở, điều này thể hiện rõ hơn khi triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Những bất cập về vấn đề nhà ở khiến nhiều công nhân trong thời gian cách ly, phong tỏa phải sống tại những nơi điều kiện rất thiếu thốn, trong khi giá thuê lại cao.
Dẫn báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha. Riêng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước mới có hơn 2,5 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng hơn 330.000 người, trong khi nhu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, đề nghị QH xem xét đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đồng thời xem xét, bổ sung trong kế hoạch vốn một gói để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, chăm lo cho công nhân.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng cần chấm dứt tình trạng xin - cho trong việc phân bổ vốn đầu tư công. Nguồn vốn này được hiểu là từ tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay, thì người trả cũng là nhân dân. Đó không phải là sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào. "Tuy nhiên, trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ đã tự cho mình cái quyền "ban phát". Câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc" - bà Mai nêu.
Phát biểu làm rõ thêm một số nội dung về kế hoạch đầu tư công trung hạn tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc phân cấp, phân quyền hiện nay chưa gắn với trách nhiệm giải trình kết quả thực hiện. Trung ương phân bổ vốn trên khả năng thu ngân sách, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhưng trên thực tế, nhiều địa phương "né" trách nhiệm, đùn đẩy, lại có văn bản "hỏi" trung ương, gây mất thời gian. Trung ương phân bổ vốn, quyền quyết định cuối cùng là ở địa phương, nên việc dàn trải vốn là do địa phương, chọn dự án không đúng rồi bố trí vốn chậm, giao vốn chậm, bố trí mặt bằng chậm…
Giai đoạn 2021-2025, GDP bình quân 6,5%-7%
Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Theo đó, nghị quyết xác định chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP...
Nghị quyết nêu rõ bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.