Decor tranh, tượng cho không gian sống
Nói đến trang trí nhà là nhiều người nghĩ ngay đến tranh, tượng. Tuy hiện nay đã phổ biến và có phần dễ mua nhưng thực ra lại không dễ chọn lựa và bài trí.
Hà Nội những năm 1960 cho đến thời mở cửa có quán càphê Lâm nổi tiếng với việc treo toàn tranh thật. Người chủ quán Nguyễn Văn Lâm, khởi nguồn từ một cá nhân yêu nghệ thuật và quý mến các văn nghệ sĩ, thường xuyên bán chịu cho các họa sĩ và đổi lại bằng những bức tranh mà họ đem tới để gán nợ, sau này đã trở thành nhà sưu tập với gia tài đủ hết tác phẩm của các tên tuổi Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên...
Câu chuyện trong thời khốn khó ấy cho thấy nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của mỗi cá nhân nhiều khi rất cần được đáp ứng một cách tự nhiên nếu không muốn nói là bức thiết. Càphê Lâm một thời đã như một kiểu “salông chui” phục vụ không chỉ đam mê của ông Lâm mà cả nhu cầu thưởng lãm của số đông quần chúng hằng ngày lui tới trà nước nơi này. Có thể nói, cái nội thất bằng tranh ấy đã làm cho càphê Lâm sống mãi trong lòng người cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, trong thời hiện nay, muốn có những tác phẩm nghệ thuật trong nhà, ngoài sự am hiểu về nghệ thuật, cần phải tốn nhiều tiền để mua tác phẩm. Vì giá của các bức tranh, pho tượng nguyên bản cũng không nhỏ. Ngoài ra, mỗi tác phẩm nghệ thuật thường mang trong mình những thông điệp, triết lý... sâu xa, nên rất nhiều khi hình thức tác phẩm không phù hợp cho mục đích bày biện trong nội thất, càng sai lệch nếu đưa vào phục vụ nhu cầu trang trí.
Tuy vậy, nhu cầu thật của người chủ nhà cần giao tiếp với những vật phẩm tinh thần khi trang trí nội thất vẫn hết sức xác đáng. Vì thế mà cần có những thể loại tranh, tượng khác phục vụ cho điều này.
Tranh, tượng decor - xu hướng trang trí thanh lịch và linh động
Treo tranh, đặt tượng decor trong nhà có nhiều lợi điểm sau:
- Chủ nhân ngôi nhà và khách tới thăm nhà có thể hưởng thụ cái đẹp thị giác của đồ trang trí.
- Tạo môi trường cho trẻ con tiếp cận với mỹ thuật.
- Tranh, tượng nếu đặt đúng chỗ có thể cải tạo những nhược điểm kiến trúc, những góc chết của ngôi nhà.
- Tranh, tượng được chăm chút đồng bộ sẽ giúp phối hợp màu sắc sinh động cho nội thất, mang tới cá tính riêng cho ngôi nhà.
- Có thể linh động thay đổi vị trí, cách trưng bày các tranh, tượng trong nhà theo mùa, theo chủ đề... giúp làm mới không gian sống, tránh nhàm chán.
Có ba yếu tố quan trọng cần lưu ý trước tiên khi chọn tranh, tượng trang trí: kích thước, chủ đề và chất liệu.
Kích thước (lớn hay nhỏ, đơn lẻ hay theo bộ) tùy thuộc vào không gian sẽ treo tranh, đặt tượng.
Chủ đề (chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, sinh hoạt, chim, cá, hoa lá...) phải phù hợp với nơi trang trí là phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp hay phòng giải trí...
Chất liệu (tranh sơn dầu, arcrylic, sơn mài, tranh in trên giấy... tượng thạch cao, đồng, polymer...) phải suy xét đến khu vực trang trí là trong nhà hay khoảng thông tầng, sân vườn...
Việc đặt tranh, tượng hài hòa với không gian và phối hợp với những vật dụng nội thất khác là điều cần chú ý hàng đầu, sao cho đạt được mục đích chính yếu của trang trí là làm đẹp, cần tránh việc đối chọi giữa các món đồ trang trí với nhau và với không gian xung quanh, đồng thời một lỗi cũng hay mắc phải là chủ nhân thường hay tham đã đặt quá nhiều tranh, tượng mà không có sự điều tiết phối hợp, khiến cho không gian bị rối rắm, phản cảm .
Bức tranh đậm chất “decor” mang đến vẻ thanh lịch bất ngờ cho phòng ăn đơn giản.
Những điều cần chú ý
Một số cách treo tranh cơ bản:
- Treo tranh tạo bố cục trọng tâm: cách này thường hay sử dụng ở phòng khách, sảnh. Tranh được treo nơi trung tâm, theo kiểu đăng đối. Tranh thường có khổ lớn và ấn định trọng tâm cho không gian nội thất.
- Treo tranh theo bố cục tự do: có thể treo đủ các loại khung khác nhau, nhiều kích cỡ (nhưng không quá chênh lệch), nhiều loại hình ảnh hoặc theo dạng một bộ sưu tập. Cách treo này thích hợp với phòng trẻ em, thư viện, phòng ăn.
- Treo tranh với bố cục theo dạng xếp đặt kết hợp với đồ nội thất khác: dạng này thường thích hợp với phong cách nhà hiện đại. Tranh treo theo dạng này cũng cần có nội dung hiện đại, màu sắc ấn tượng nhưng không rối. Tranh được xếp đặt kết hợp với đồ trang trí nội thất khác (như bình cây khô, giá sách, đồ lưu niệm...) tạo thành điểm nhấn, hút mắt cho không gian nội thất.
- Treo theo bố cục tranh: ví dụ như những bộ tranh tứ quý, tranh tố nữ... cần được treo theo bố cục đăng đối bên nhau. Ngoài ra, có những bộ tranh decor hiện đại, trong đó mỗi bức tranh là một hình ảnh hay một màu khác nhau được treo dọc hoặc ngang tạo bố cục khác lạ.
- Ta cũng có thể tự tạo riêng cho ngôi nhà của mình những bố cục tranh “sống”: trong nhà có thể bố trí gương soi để ở những góc khác nhau, vừa theo quy luật phong thủy, vừa có thể thấy các khung cảnh khác nhau tạo nên những khung hình đẹp. Hoặc lồng một khung cửa trên tường, bo bằng khung tranh hay đặt song sắt có hoa văn mỹ thuật. Nhìn qua khung này, cảnh vật thiên nhiên sẽ tạo thành bức tranh thật sống động và thay đổi theo từng thời khắc trong ngày.
Với tượng trang trí, nếu ngôi nhà có một mảnh vườn hay một lối đi nho nhỏ, thì vài tác phẩm tượng, phù điêu về người, chim thú... với chất liệu bền sẽ là lựa chọn đẹp. Tượng trong nội thất thường thiên về tượng chân dung (danh nhân hoặc người trong gia đình), cần có kích cỡ phù hợp với không gian, đặt ở nơi trang trọng nhưng không phô trương, cần có bệ hoàn chỉnh (nhưng không cầu kỳ). Ngoài ra, một số tượng lấy đề tài sinh hoạt như trẻ con học bài, người đọc sách, người che nón lá... rất hay khi đặt trong phòng trẻ, thư viện, góc thư giãn.
Với những không gian cần sự trang trọng như phòng khách, thư viện, nên hạn chế về số lượng tranh, tượng trang trí, chỉ chọn lựa những tác phẩm có giá trị, có khung, bệ chỉn chu và tính toán kỹ để thật sự phù hợp với không gian về kích thước, màu sắc. Những nơi cần sự nhẹ nhàng, vui vẻ, sinh động như phòng trẻ con, phòng giải trí, phòng ăn, bếp, khu vực vệ sinh... có thể ứng dụng sáng tạo nhiều cách thức trang trí tranh, tượng như treo tranh theo bộ, sử dụng khung tranh tự chế... miễn sao hài hòa, nội dung phù hợp và khiến mọi người tham gia không gian đó thấy thư thái, vui thích là được.
Ngoài ra, ánh sáng là cực kỳ quan trọng trong nội thất có sử dụng tranh, tượng decor, nó mang tới hồn phách cho vật trang trí, tác động tới tâm trạng con người.
Việc áp dụng các quy tắc vào việc treo tranh, đặt tượng trang trí trong nhà rất cần sự sáng tạo của chính bản thân chủ nhân ngôi nhà. Ý tưởng có thể từ nhà thiết kế, nhưng những vật trang trí nghệ thuật có phát huy được hơi thở của chúng hay không là ở sự chăm chút hằng ngày của gia chủ, hoán đổi vị trí cho chúng sau một thời gian sử dụng, có thể trang trí lại khung, thay đổi những vật dụng nội thất kết hợp với chúng... để làm mới mà vẫn hài hòa và đẹp.21`i
Những biến thể theo sở thích cá nhân
Với một số người có sở thích chụp ảnh, sẽ rất hay khi biến những tác phẩm ảnh của chính mình thành những decor trong không gian nội thất nhà mình. Ảnh phong cảnh, hoa lá, chim muông... sẽ mang thiên nhiên vào phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm. Ảnh cây trái, động vật... đem tới cảm giác ấm cúng cho phòng ăn, khu vực bếp. Ảnh chân dung gia đình thích hợp cho thư viện hay treo cao thành dãy trên lối đi ở cầu thang, hành lang nối giữa các phòng... Ảnh sinh hoạt gia đình giúp lưu giữ kỷ niệm cho góc thư giãn, phòng giải trí...
Có thể làm bộ khung đủ màu sắc cho một bộ ảnh màu để làm điểm nhấn vui mắt. Ảnh trắng đen chỉ nên làm khung trắng, đen, xám hay nhũ bạc.
Với ảnh nhỏ, có thể bố cục nhiều ảnh (không đối chọi về nội dung) vào cùng một khung cũng rất sinh động. Khung ảnh nên đơn giản, tránh loại khung nhiều chạm khắc hay nhủ vàng như khung tranh. Một bức ảnh đẹp được bo chỉn chu, lồng trong một chiếc khung dày bản, đôi khi mang tới vẻ đẹp nghệ thuật rất bất ngờ.
Về quy luật bài trí, việc treo ảnh cũng như treo tranh. Ảnh cũng có thể phóng lớn treo như điểm nhấn trung tâm trong căn phòng. Tuy nhiên, có một số lưu ý như không treo ảnh chân dung quá lớn tạo cảm giác “phô”, không treo ảnh gia đình ở những khu vực như nhà bếp, hành lang bên ngoài nhà...
Một số gia đình có nhu cầu treo các bằng khen, bằng chứng nhận, giấy tờ lưu niệm của gia đình. Đối với thể loại này, nên chọn một góc nhỏ trong nhà, trang trọng nhưng không quá phô trương, không quá riêng tư nhưng cũng không nên để đập mắt giữa phòng khách. Những góc làm việc chung của gia đình, góc trò chuyện thân mật trong không gian phòng khách, phòng sinh hoạt chung... là một vài nơi thích hợp. Và nên làm khung đen, trắng hay nâu, kiểu dáng đơn giản cho từng bằng khen, chứng nhận. Để “phá” đi cảm giác cứng nhắc, có thể kết hợp hoa tươi, sách tranh ảnh, vài vật dụng lưu niệm của gia đình sắp đặt phối hợp trong không gian này.
Ngoài ra, những bức tranh do chính các chủ nhân của gia đình (đặc biệt là trẻ con) tự tay sáng tác sẽ là những vật tuyệt vời để decor cho tổ ấm. Những ý tưởng khác nữa cũng rất hay, như hình vẽ viền theo bàn tay của cha, mẹ, con có thể lộng khung treo trong phòng con trẻ vừa vui, lại vừa mang đến cho con ý thức về một gia đình đầm ấm. Hay như tấm bản đồ tự vẽ con đường từ nhà đến trường bé học (với cỏ cây, hoa lá, các đặc điểm mà bé thích) cũng có thể là vật trang trí hữu ích cho góc học tập của trẻ...
Bài: Như Khanh - Ảnh: Zhivago
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/decor-tranh-tuong-cho-khong-gian-song-23226.html