Deloitte: 70% khoản đầu tư xanh cần được rót vào các nền kinh tế đang phát triển

Để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng không, 70% khoản đầu tư xanh cần được rót vào các nền kinh tế đang phát triển từ nay đến năm 2030.

Deloitte vừa phát hành báo cáo “Tài trợ vốn cho chuyển đổi năng lượng xanh” (Financing the Green Energy Transition).

Báo cáo cho thấy, các công cụ tài chính cắt giảm chi phí có thể giúp giảm thiểu rủi ro cho các dự án xanh tại các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời khiến việc đầu tư vào các dự án này trở nên hấp dẫn hơn, từ đó hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050, tổng vốn đầu tư trên toàn cầu vào lĩnh vực năng lượng cần đạt mức 5-7 nghìn tỷ USD/năm. Tuy nhiên, hiện nay thế giới chỉ đầu tư chưa đến 2 nghìn tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi, còn rất thấp so với nguồn lực tài chính cần thiết để giúp thế giới đạt được các mục tiêu chung về khí hậu.

Được công bố trước thềm Hội nghị lần thứ 28 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), báo cáo chỉ ra thực trạng các dự án xanh hiện đang phải đối mặt với vấn đề không đủ vốn đầu tư và yêu cầu tỷ lệ hoàn vốn cao vì các nhà đầu tư tư nhân thường nhận định rằng đầu tư vào công nghệ xanh rủi ro hơn các khoản đầu tư khác.

Mục tiêu tiến tới net-zero của các khu vực trên thế giới

Mục tiêu tiến tới net-zero của các khu vực trên thế giới

Báo cáo nhấn mạnh chính phủ các nước, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư cần chung tay giảm thiểu rủi ro của các dự án xanh thông qua việc phát triển các cơ chế hợp vốn phù hợp để huy động nguồn tài chính từ khu vực tư nhân, đồng thời giúp đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và trung hòa khí hậu - đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi.

Bà Jennifer Steinmann, Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Phát triển bền vững và Quản trị Biến đổi Khí hậu, Deloitte cho biết: “Chúng ta đang liên tục phát triển các giải pháp và công nghệ để đẩy nhanh quá trình khử cacbon, đồng thời cũng phải thực hiện các hành động dứt khoát nhằm gỡ bỏ các rào cản tài chính để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển. Những hỗ trợ quyết đoán và có sự phối hợp về mặt chính sách cũng như việc chung tay hành động của cả hệ sinh thái tài chính trên toàn cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc điều hướng nguồn vốn đầu tư chảy vào các dự án xanh và hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế bền vững".

Để giành chiến thắng trong cuộc đua đến mức phát thải ròng bằng không, thế giới phải đầu tư một cách sáng suốt và xác định các lĩnh vực cắt giảm chi phí. Ví dụ, các khoản đầu tư xanh hiện được thực hiện ở các nền kinh tế đang phát triển chiếm chưa đến 50%, nguyên nhân chủ yếu là do rủi ro lớn hơn và ngân sách từ khu vực công cho các dự án chuyển đổi năng lượng còn hạn hẹp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng không, 70% khoản đầu tư xanh cần được rót vào các nền kinh tế đang phát triển từ nay đến năm 2030 khi các quốc gia này tìm kiếm công nghệ và cơ sở hạ tầng mới, bền vững.

Mặc dù chi phí cần thiết cho quá trình chuyển đổi có vẻ như khá cao nhưng nếu so với các giải pháp khác, mức chi phí này vẫn được xem là thích đáng. Báo cáo Bước ngoặt Toàn cầu năm 2022 của Deloitte chỉ ra rằng, lộ trình chính sách hiện nay có thể khiến thế giới phải gánh chịu khoản tổn thất lên đến 178 nghìn tỷ USD (tương đương với gần 8% GDP toàn cầu) vào năm 2070, trùng với thời điểm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 3°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngược lại, nền kinh tế toàn cầu có thể hưởng lợi nhuận kinh tế trị giá 43 nghìn tỷ USD trong vòng năm thập kỷ tới thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tiến tới phát thải ròng bằng không với những khoản đầu tư lớn hơn vào hệ thống năng lượng sạch và phối hợp hoạch định chính sách.

Tiến sĩ Pradeep Philip, Phó tổng giám đốc Deloitte Australia và là thành viên của nhóm tác giả báo cáo cho biết: “Tài trợ vốn cho quá trình chuyển đổi ở các khu vực đang phát triển có thể coi là điểm mấu chốt của cuộc đua toàn cầu để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi có sự hợp tác quốc tế và sự tham gia tích cực của chính phủ các nước, các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính phát triển, tài chính ưu đãi và phân bổ các quỹ xanh theo cách này có thể giúp các quốc gia đang phát triển cắt giảm 40% chi phí cần cho quá trình chuyển đổi hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không".

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/deloitte-70-khoan-dau-tu-xanh-can-duoc-rot-vao-cac-nen-kinh-te-dang-phat-trien-post335268.html